Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi; trong đó đề xuất tạm dừng thẩm định, chấp thuận, cấp phép hàng chục dự án đo gió ngoài khơi cho đến khi xây dựng được quy định liên quan.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua, cơ quan này đã nhận được rất nhiều đề xuất đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường biển để tổ chức thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, để tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi theo quy định.
Theo đó, tính đến 31/8/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, mới chỉ có một đề xuất được chấp thuận. Đó là đề xuất lắp đặt trạm Lidar gió trên biển phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre, với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD.
Có 19 đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến, với tổng công suất đề xuất hơn 100 GW; tổng diện tích đề xuất khảo sát trên biển xấp xỉ 30.000 km2.
[Việt Nam tiến bước vào ‘sân chơi lớn’ quyết đưa phát thải ròng về O]
Một số dự án có đề xuất công suất và diện tích lớn như của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện Ninh Bình với công suất dự kiến 5 GW, khảo sát 3.162km2; dự án điện gió ngoài khơi Bắc Thanh Hóa do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi đề xuất với công suất 5 GW, khảo sát 3.719km2.
Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, 100% là nhà đầu tư trong nước, có phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở vào thuộc thẩm quyền thẩm định, chấp thuận của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trên cơ sở ý kiến của một số cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học và một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực điện gió, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy còn nhiều vướng mắc pháp lý và kỹ thuật.
Trong đó, một số ý kiến cho rằng đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển. Nhà nước cũng chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiều hécta trên 1MW công suất dự kiến.
Từ những vướng mắc nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Thủ tướng. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay đang gấp rút hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 40/2016 quy định chi tiết một số điều Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cùng các quy định liên quan.
Theo đó, trong thời gian chờ quy định ban hành, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thẩm định, chấp thuận phê duyệt về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình; ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo thống nhất từ khi đo gió, quan trắc, điều tra, đánh giá tác động môi trường biển, lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng mua bán điện với các dự án điện gió ngoài khơi./.