Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, dự án thu phí tự động không dừng-ETC giai đoạn 2 (BOO 2) có tổng số 33 trạm thuộc quản lý của 22 nhà đầu tư BOT.
Tính đến thời điểm này các nhà đầu tư đã cơ bản đàm phán để ký hợp đồng dịch vụ để chuyển sang giai đoạn triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, 33 trạm thu phí của dự án kể hiện chỉ có 31 trạm đang hoạt động, còn 2 trạm hiện tạm dừng thu phí là trạm T2 trên Quốc lộ 91 và trạm Quốc lộ 3 Thái Nguyên.
Về ký phụ lục hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết hiện đã có 30 trạm/20 dự án, nhà đầu tư BOT đã ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải để bổ sung việc lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng;
Trong khi đó, vẫn còn 3 trạm/3 dự án, nhà đầu tư BOT chưa ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải về việc bổ sung việc lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng, bao gồm Công ty cổ phần BOT Quang Đức (Trạm Km687+520, Quốc lộ 14); Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà (Trạm cầu Thái Hà) và Công ty cổ phần Đầu tư cầu Mỹ Lợi (Trạm cầu Mỹ Lợi).
Về việc ký hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ với các nhà đầu tư BOT, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho hay trong số 31 trạm thu phí đang hoạt động, đã có 23 trạm trên 17 dự án BOT đã được nhà đầu tư ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Trong khi đó còn 8 trạm trên 6 dự án BOT, nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng cung cấp dịch vụ, bao gồm: Công ty cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả-Khánh Hòa (Trạm Ninh Lộc trên Quốc lộ 1), Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Trạm Bàn Thạch, Trạm Hầm Đèo Cả, Trạm Hầm Cù Mông trên Quốc lộ 1), Công ty Trách nhiện hữu hạn BOT Thái Nguyên-Chợ Mới (Trạm cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới, Trạm Quốc lộ 3 cũ tạm dừng); Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà (Trạm cầu Thái Hà), Công ty cổ phần BOT Quang Đức-Gia Lai (Trạm Km1747, Quốc lộ 14) và Công ty cổ phần Đầu tư cầu Mỹ Lợi (Trạm cầu Mỹ Lợi, Quốc lộ 50).
Về phương án lắp đặt, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Ban Quản lý dự án 2 (cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền tại dự án), Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) xây dựng và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải phương án đầu tư hệ thống ETC tại các trạm.
Cụ thể, trong các trạm đã ký hợp đồng dịch vụ thu phí, VDTC đang khẩn trương lắp đặt hoàn thành đúng tiến độ đối với 20 trạm. Đối với các trạm chưa ký hợp đồng dịch vụ, gồm 4 trạm (Ninh Lộc, Bàn Thạch, Hầm Đèo Cả, Hầm Cù Mông), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề nghị Nhà đầu tư BOT, BOO2 sớm ký hợp đồng dịch vụ để lắp đặt, đảm bảo tiến độ dự án…
[Sử dụng đường cao tốc, lái xe có thể sẽ phải đóng phí trọn đời?]
Về kết quả triển khai dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Dự án BOO 1), Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng thông tin, dự án này có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.
Hiện nay đã lắp đặt và vận hành 25/26 trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (trạm cầu Đồng Nai đã tạm dừng thu từ 10/8/2020).
Đối với 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý: hiện chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đã đưa vào vận hành 15 làn; 4 tuyến còn lại (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành) chưa thể thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn.
Các chuyên gia giao thông lưu ý, hạn chót chuyển sang thu phí tự động không dừng (ETC) sắp đến, hiện vẫn còn nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng dịch vụ ETC với nhà cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số nhà đầu tư BOT về cơ bản đã đồng thuận, chấp hành chủ trương, nhưng các nhà đầu tư này cho rằng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Theo một số nhà đầu tư, được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các trạm thu phí là tài sản thế chấp để doanh nghiệp dự án ký hợp đồng vay vốn ngân hàng thực hiện dự án. Do đó, bất cứ sự thương thảo nào liên quan đến doanh thu, ảnh hưởng đến lộ trình thu hồi vốn cũng cần phải thương thảo với ngân hàng và mức phí bổ sung theo phụ lục hợp đồng cũng phải được ngân hàng thống nhất, tránh phá vỡ cam kết theo hợp đồng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính pháp lý cũng như quan hệ tín dụng của nhà đầu tư với ngân hàng.
Vì thế, nhà đầu tư BOT yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cùng có trách nhiệm làm việc với các tổ chức tín dụng tài trợ vốn để có thống nhất mới đủ cơ sở bàn giao trạm thu phí và nguồn thu cho nhà đầu tư ETC.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư cho rằng, quy mô làn thu phí và doanh thu thu phí một số trạm như nhau nhưng khi ký hợp đồng với mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ (BOO 1 và BOO 2) lại quy định một mức phí khác nhau; có nhà cung cấp dịch vụ đàm phán mức phí theo thị trường với đơn vị sử dụng (khoảng 2-3% doanh thu trước thuế) nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu mức (5-7% doanh thu sau thuế) với lý do mức phí được ký hợp đồng triển khai dịch vụ với Bộ Giao thông Vận tải tại các trạm là như vậy.
Về vấn đề này, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC (chủ đầu tư dự án BOO 1), ông Nguyễn Văn Dưỡng bày tỏ chia sẻ với các nhà đầu tư BOT trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi lưu lượng xe ở hầu hết các tuyến đều giảm dẫn đến phương án tài chính của dự án không đảm bảo.
Tuy nhiên, mức phí mà VETC đưa ra đã được Bộ Giao thông Vận tải tính toán kỹ trên cơ sở các đơn vị tư vấn đưa ra, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư. Do đó, VETC không thể tùy tiện thu phí bởi mức phí dịch vụ mà VETC đưa ra là những chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải bỏ ra và không thể cắt giảm được
Ở góc độ khác, hiện số lượng phương tiện đã dán thẻ ETC và nộp tiền vào tài khoản thu phí để sử dụng rất thấp. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc phải có một tài khoản thu phí ETC riêng và người dùng muốn dùng dịch vụ ETC phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông nhưng không được tính lãi vừa gây bất tiện với chủ phương tiện, vừa khiến doanh nghiệp vận tải bị chiếm dụng một khoản tiền không nhỏ khi chưa sử dụng đến.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), việc lưu lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC thấp và thói quen sử dụng tiền mặt của người dân sẽ gây rủi ro cho việc thu phí của nhà đầu tư BOT khi bàn giao toàn bộ các làn chuyển sang hình thức thu phí không dừng và chỉ để lại 2 làn ngoài cùng sử dụng hình thức thu phí hỗn hợp ETC+MTC (thu phí thủ công một dừng), vì có khả năng dẫn đến ùn tắc giao thông, thất thoát doanh thu cho doanh nghiệp dự án.
Với những vướng mắc trên, nhà đầu tư rất cần có sự tháo gỡ để vừa hài hòa lợi ích, vừa đảm bảo tiến độ thực hiện thu phí không dừng theo đúng chủ trương, kịp hạn chót đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước mới có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ ETC và cũng chỉ có 20% số chủ xe trong số 900.000 phương tiện đã nạp tiền vào tài khoản thu phí để sử dụng./.