Còn nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải khẳng định thực tế 45 năm qua cho thấy mối quan hệ song phương Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ là cần thiết và có thể phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai gần.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải trả lời phỏng vấn PV TTXVN tại Hatay. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2023, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/6/1978-7/6/2023).

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Âu về ý nghĩa của sự kiện, cũng như những thành tựu hai bên đã đạt được và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.

Đại sứ Đỗ Sơn Hải đánh giá mối quan hệ song phương đã đạt được nhiều thành tựu ngoài mong đợi sau 45 năm, song vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển lên một tầm cao mới.

Giờ đây, hai nước ngày càng có những điểm tương đồng về lợi ích, không những trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, mà còn cả trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Năm 2017 đã đánh dấu mốc lịch sử trong trao đổi thương mại, khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,2 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong số các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Malaysia.

Theo Đại sứ, đại dịch COVID-19 phần nào đã ảnh hưởng tới thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ khi năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 1,65 tỷ USD, nhưng đây vẫn là thế mạnh trong quan hệ song phương.

Sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn, tổ chức đa phương cũng có thể coi là một thế mạnh cần phát huy nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhấn mạnh điểm đáng lưu ý là hai nước đã đạt được những thành tựu trên trong bối cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Trước hết, đó là sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, chính trị, khoảng cách địa lý và đặc biệt là sự tương đồng về lợi thế so sánh trong thương mại.

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, những yếu tố này khiến cho quan hệ hai nước chỉ dừng lại ở mức “tìm hiểu nhau.”

Tuy đều là thành viên của Phong trào Không liên kết (NAM), nhưng Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích ưu tiên không giống nhau.

Chỉ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những điều chỉnh trong chính sách của cả hai nước đã thúc đẩy quan hệ song phương có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao đến kinh tế-thương mại, từ du lịch đến giáo dục.

Sau khi hai quốc gia nâng tầm quan hệ và mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau vào năm 2005, các cuộc họp ủy ban kinh tế hỗn hợp và các chuyến thăm cấp bộ trưởng liên quan đến các lĩnh vực hợp tác hai bên được tổ chức.

Quan hệ song phương được chính phủ hai nước đánh giá cao, cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam trong sự ổn định và phát triển trong ASEAN và của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Trung Cận Đông và Bắc Phi.

Về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới, Đại sứ Đỗ Sơn Hải khẳng định khả năng mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại là rất khả thi.

Theo Đại sứ, doanh nghiệp hai nước đang ngày càng quan tâm tới nhau trên rất nhiều lĩnh vực, trước hết là nông nghiệp. Du lịch cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng do có nhiều dư địa cho hợp tác du lịch song phương.

Trên nền tảng đã được xây dựng trong thời gian qua, hai bên cũng hy vọng hợp tác quốc phòng, an ninh sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ và toàn diện hơn.

Và nếu được quảng bá sâu rộng hơn, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và thể thao sẽ có thể có nhiều thay đổi tích cực.

Kim ngạch thương mai hai chiều là bằng chứng rõ nét nhất về tiềm năng phát triển quan hệ giữa hai nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 642,34 triệu USD, tăng 29,7%, trong khi kim ngạch nhập khẩu là 125,86 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Một yếu tố thuận lợi để tăng cường các quan hệ song phương là hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines, hãng hàng không lớn thứ 7 thế giới trong năm 2022, hiện có những đường bay thẳng từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến Istanbul, với tần suất 7 chuyến/tuần.

Chính từ tiềm năng hợp tác mà hai nước đã đặt quyết tâm hướng tới mốc 4 tỷ USD trao đổi thương mại hai chiều vào năm 2025.

Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhấn mạnh tại các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương, tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng còn rất lớn vì các chính sách của Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng có nhiều điểm chung trong bảo vệ lợi ích quốc gia.

[Sáng ngời tinh thần "lương y như từ mẫu" giữa vùng động đất]

Về những hoạt động hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ Đỗ Sơn Hải cho biết trong năm 2023, Đại sứ quán đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao, các cơ quan hữu quan và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ trong một số hoạt động hướng tới kỷ niệm sự kiện trọng đại này như tổ chức Ngày Việt Nam tại thủ đô Ankara, quảng bá những chặng đường phát triển của mối quan hệ song phương tại một số hội chợ ở các thành phố như Ankara, Istanbul, Atalya, phóng sự về 45 năm quan hệ Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ của hai đài truyền hình quốc gia là VTV của Việt Nam và TRT của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ Đỗ Sơn Hải kết luận rằng thực tế 45 năm quan hệ đã cho thấy mối quan hệ song phương Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cần thiết và có thể phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai gần.

Để đạt được mục tiêu này, hai nước cần tăng cường các hoạt động quảng bá về đất nước, con người và thị trường cho người dân mỗi nước, đặc biệt nên chú trọng việc sử dụng công nghệ, truyền thông (nhất là mạng xã hội) cho hoạt động quảng bá.

Hai bên cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hai nước thâm nhập thị trường của nhau. Có những hoạt động và chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ và thúc đẩy việc thành lập các công ty liên doanh Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ, trước hết là trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.

Mục tiêu trước mắt là hai nước cần thúc đẩy việc tổ chức đối thoại lần thứ 8 của Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế-Thương mại Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đến nay, hai bên đã tổ chức 7 kỳ họp với kỳ họp lần thứ 7 đã diễn ra tại Hà Nội vào tháng 7/2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục