Còn nhiều “điểm hở” trong Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn

Tại buổi góp ý dự thảo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều “điểm hở” trong Chiến lược này.
Còn nhiều “điểm hở” trong Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn ảnh 1Xử ký chất thải rắn. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Chiều 1/12, tại buổi góp ý dự thảo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều “điểm hở” trong Chiến lược này. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng có nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý chất thải phải tập trung điều chỉnh. Đồng thời, cần xem xét trên cơ sở nhận thức chất thải  cũng là tài nguyên và tiếp cận công nghệ xử lý mới, sáng tạo, phù hợp và làm rõ kinh phí về xử lý chất thải.

Quan điểm mới là tiếp cận tổng hợp: Phát sinh, phân loại tại nguồn, thu gom, tái chế, tái sử dụng rồi mới đến xử lý triệt để; cần xem xét xử lý chất thải phù hợp với từng vùng miền, địa phương; có chế tài đối với các doanh nghiệp xử lý chất thải... Chiến lược phải mang tính thực tiễn, tạo ra bước tiến mới cho công tác quản lý nhà nước. 

Cục trưởng Cục quản lý chất thải và cải thiện môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Chiến lược có điều chỉnh theo hướng rác thải sinh hoạt sẽ chia làm 3 nhóm đối tượng và tiến tới chi trả bằng giá thay cho phí như hiện nay. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia sẽ tích hợp thêm dựa trên quy hoạch quản lý chất thải rắn.

Giải pháp là không khuyến khích xử lý rác thải tại cơ sở phát sinh chất thải nguy hại, chôn lấp; ưu tiên các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường; hướng tới xây dựng quy trình doanh nghiệp tự kiểm toán phát sinh chất thải. Bùn thải là vấn đề lớn trong việc xử lý, bởi chất thải này không quản lý tốt sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chất thải y tế phát sinh đã thực hiện khá tốt ngay tại nguồn. Chất thải từ các hoạt động khai thác khoáng sản cần được đưa vào quản lý đặc biệt.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mọi giải pháp cho Chiến lược nên đi từ công nghệ, phải tìm được công nghệ hợp lý và tiếp cận ngay. Hiện nay, rác thải đô thị cũng chưa có công nghệ xử lý đảm bảo chuẩn không ảnh hưởng đến môi trường nên cần tập trung số ít công nghệ để dễ quản lý, xử lý khí thải phát sinh.

Mọi công nghệ nên theo hình thức ký hợp đồng, phải chạy thử 3 tháng, đảm bảo các chỉ số, tiêu chuẩn môi trường mới cấp phép, trong đó Nhà nước cung cấp địa điểm cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt máy xử lý chất thải.

Chiến lược nên bổ sung quy định khoảng cách mang chất thải đi xử lý đối với từng loại, tránh phát tán khí thải không cần thiết trong quá trình vận chuyển.

Đại biểu các địa phương đề xuất nên nâng mục tiêu ở các địa phương, thu gom phải đạt 100%. Các địa phương vẫn đang thiếu, chưa có mô hình công nghệ cao trong xử lý rác thải, bởi vậy nên đưa ra các dây chuyền khoa học công nghệ để các địa phương ứng dụng.

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp rác thải cần bổ sung xử lý tập trung bằng công nghệ hiện đại, tái sử dụng khí phát sinh; nếu xử lý liên vùng, liên tỉnh phải có cơ chế quản lý và chia sẻ thông tin để đảm bảo quản lý chặt chẽ; cần đóng các bãi chôn lấp rác thải theo đúng quy trình kỹ thuật; cải tạo, phục hồi các bãi chôn lấp đã đóng để tiếp tục sử dụng phần đất này và xem xét có nên cho phép tái sử dụng bùn thải không.

Các chuyên gia nhấn mạnh Chiến lược cần bổ sung đầy đủ quy trình về chất thải phải thu gom, tái chế, xử lý và tiêu hủy, cấm tự xử lý. Các Bộ liên quan cần có cơ chế linh hoạt cho các suất đầu tư về công nghệ xử lý chất thải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục