Ngày 26/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.”
Tại hội thảo, các chuyên gia cùng đại diện cơ sở đào tạo đã đánh giá nhu cầu, thực trạng về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng Ban Tổ chức hội thảo chia sẻ: Tại Hoa Kỳ, đầu những năm 90 của thế kỷ 20 xu hướng giáo dục mới đã hình thành gọi là giáo dục STEM.
Trong chương trình này, các môn học khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành... Khái niệm STEM là viết tắt của cụm từ Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (Science, Technology, Engineering and Math) và lần đầu tiên được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đưa ra vào năm 2001.
Tốc độ tăng trưởng nhân công STEM ở Hoa Kỳ là 7,9% trong giai đoạn 2000 - 2010 và đã tăng rất nhanh, khoảng 26% trong giai đoạn 2010 - 2020. Nhân công STEM đóng vai trò then chốt cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định của nền kinh tế Hoa Kỳ, là một thành phần quyết định để giúp Hoa Kỳ giành chiến thắng trong tương lai.
Hiện tại, giáo dục STEM đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Phần Lan, Canada, Nhật Bản… Giáo dục STEM đang là xu hướng giáo dục lớn thứ hai tại Trung Quốc và Hàn Quốc sau phong trào học Tiếng Anh.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ: Tại Việt Nam, cùng với chính sách đổi mới mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, xu thế tự chủ, tích cực hội nhập của các trường đại học, giáo dục đại học đã khởi sắc, có những bước tiến bứt phá ngoạn mục về chất lượng, trình độ trong nghiên cứu và đào tạo liên quan đến STEM, hội nhập mạnh mẽ với các chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, còn có nhiều bất cập liên quan đến giáo dục STEM. Ở Việt Nam, giáo dục STEM đã nói nhiều đến nhưng đa phần dư luận xã hội lại hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và Toán ở bậc phổ thông mà chưa chú trọng đến bậc đại học.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo bậc đại học năm học 2022 - 2023 trên toàn quốc là trên 1,7 triệu sinh viên, chỉ có 103.707 sinh viên khối các ngành kỹ thuật và 150.300 sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ. Tổng quy mô hai lĩnh vực này là 254.007 sinh viên, chỉ chiếm có 14,29% tổng quy mô đào tạo đại học.
Để không bị tụt hậu và sẵn sàng hội nhập với quốc tế, nắm bắt những cơ hội đột phá trong cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh: Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM và Tiếng Anh kể cả ở bậc phổ thông, cũng như ở bậc đại học.
Từ nhận thức, cần sớm nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm và chuẩn mức quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo nội địa hóa STEM ở Việt Nam đối với bậc đại học, bao gồm khung lý thuyết, nội dung giảng dạy, chuẩn đầu ra. Song song với chương trình đào tạo, phải tập trung đầu tư và phát triển công nghệ giáo dục STEM ở các bậc học.
Đây là bài toán lớn, đòi hỏi có sự đồng hành đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, đảm bảo các môn học STEM phải có mặt trong bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào bậc đại học và trong các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học.
[Nắng 40 độ, học sinh Hà Nội vẫn hào hứng trong ngày hội STEM]
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực STEM còn góp phần trực tiếp thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và xếp hạng của trường đại học.
Do đó, tập trung đầu tư các hướng nghiên cứu hiện đại, mũi nhọn và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực STEM là giải pháp quan trong để gắn kết đào tạo với nghiên cứu và gia tăng tiềm lực khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.
Tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai cho rằng: việc thúc đẩy đào tạo các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học đã được quan tâm và triển khai ở cấp học phổ thông qua các hình thức tổ chức giáo dục STEM trong nhà trường, bước đầu đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, về tổng thể, nhận thức của các cấp, ngành về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM còn nhiều hạn chế. Việt Nam chưa có được chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM. Chính sách đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng nhân lực chưa đủ mạnh để thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực STEM.
Giáo dục STEM ở phổ thông mới tập trung nhiều vào phương pháp và hình thức tổ chức thực hiện mà chưa gắn kết chặt chẽ với hướng nghiệp, phân luồng học sinh về nghề nghiệp trong lĩnh này. Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực STEM, nhưng sự quan tâm, đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu.
Sau tốt nghiệp Trung học Phổ thông, học sinh có xu hướng lựa chọn nghề nghiệp trong các lĩnh vực STEM chiếm tỉ lệ nhỏ, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực thời gian tới.
Vì vậy, cần đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm tốt của cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước về đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM; kinh nghiệm và xu hướng quốc tế, nhất là của các nước trong khu vực về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM, làm cơ sở tham khảo cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển nguồn nhân lực STEM nước ta thời gian tới.
Các cơ quan quản lý, nhà khoa học cần đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đủ mạnh để tạo đột phá trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về STEM gắn với thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030; nhất là sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.