Con người lãng phí lượng thực phẩm bằng hàng tỷ con gia súc, gia cầm mỗi năm

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Leiden ở Hà Lan ước tính 18 tỷ trong số 75 tỷ con lợn, gà, gà tây, bò, dê và cừu được nuôi làm thực phẩm trên khắp thế giới chưa bao giờ được tiêu thụ.
Quầy bán thịt tại một cửa hàng ở Iowa, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Gần 1/4 số con vật được nuôi ở các trang trại công nghiệp chưa bao giờ thực sự trở thành thức ăn cho con người. Thay vào đó, chúng chết vô ích.

Đó là kết luận của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sản xuất và Tiêu dùng Bền vững, giúp làm sáng tỏ số lượng rác thải thực phẩm khổng lồ.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Leiden ở Hà Lan ước tính vào năm 2019, 18 tỷ trong số 75 tỷ con lợn, gà, gà tây, bò, dê và cừu được nuôi làm thực phẩm trên khắp thế giới chưa bao giờ được tiêu thụ.

Nghiên cứu ước tính số lượng động vật này đã bị lãng phí trong chuỗi cung ứng: chết tại trang trại hoặc trên đường vận chuyển đến lò mổ; lãng phí trong quá trình chế biến; và bởi các nhà hàng, cửa hàng tạp hóa và người tiêu dùng.

Phần lớn thực phẩm bị lãng phí xảy ra ở 10 quốc gia - hầu hết là các quốc gia lớn, có thu nhập cao hoặc trung bình, như Trung Quốc, Mỹ và Brazil.

Về số lượng trung binh động vật bị lãng phí trên đầu người, Mỹ bị chấm điểm đặc biệt thấp khi có tới 7,1 động vật bị lãng phí trên mỗi người dân nước này - gấp khoảng ba lần mức trung bình toàn cầu là 2,4 con vật/người.

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết cắt giảm một nửa tình trạng lãng phí thực phẩm vào năm 2030, nhưng vấn đề này dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn trên toàn cầu.

Lãng phí thực phẩm thường được coi là một vấn đề an ninh lương thực - nhiều người bị đói và việc chuyển thực phẩm cho những người có nhu cầu có thể ngăn ngừa nạn đói và suy dinh dưỡng.

Gần 1/3 lượng thực phẩm tại Mỹ không được sử dụng, trở thành rác thải tại các bãi chôn lấp. (Ảnh: Getty Images)

Nhưng đó cũng là một thách thức lớn về môi trường. Thực phẩm và nông nghiệp chiếm khoảng 1/3 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, do đó, mỗi miếng thức ăn bị lãng phí sẽ tạo ra lượng khí thải carbon không cần thiết thải vào bầu khí quyển.

Khi thực phẩm được đưa vào bãi chôn lấp, nó sẽ tạo ra khí methane, một loại khí nhà kính cực mạnh. Ước tính 6% lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuất phát từ chất thải thực phẩm.

Lãng phí thịt đặc biệt có hại cho môi trường vì nó thải ra lượng khí thải carbon cao hơn nhiều so với thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Ngăn chặn lãng phí thực phẩm trong trang trại

Ở Bắc Mỹ, khoảng 1/4 lượng thịt thải ra ở trang trại khi có khoảng 1,5 triệu động vật bị chết mỗi ngày, vì bệnh tật và thương tích.

Cơ hội lớn nhất để giảm con số đó là thực hiện cải tiến trong ngành chăn nuôi gà, đơn giản vì quy mô của nó. Hơn 5% trong số 9,3 tỷ con gà nuôi lấy thịt ở Mỹ - khoảng 500 triệu con gà - chết trong trang trại.

Gần như tất cả gà được nuôi làm thực phẩm ở Mỹ đều là các giống gà siêu trọng và lớn nhanh, điều này không chỉ có nghĩa gà phải chịu đau đớn liên tục mà còn có thể dẫn đến dị tật ở chân và các vấn đề sức khỏe khác gây ra chết sớm.

Ingrid de Jong, nhà nghiên cứu khoa học về hành vi và phúc lợi gia cầm tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Wageningen ở Hà Lan, cho biết: “Các giống tăng trưởng chậm hơn thường khỏe mạnh hơn và có tỷ lệ tử vong thấp hơn.”

Những con gà được vận chuyển tới nơi giết mổ. (Ảnh: Getty Images)

Đối với những động vật sống sót trong trang trại, hàng triệu con sẽ chết trên đường đến nơi giết mổ, chiếm khoảng 7% lượng thịt bị lãng phí ở Bắc Mỹ.

Các con vật bị dồn quá chật vào xe tải, điều này có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng cũng như phải chống chịu thời tiết khắc nghiệt trên đường.

Chống lãng phí thực phẩm trong cửa hàng, nhà máy

Các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng và nhà sản xuất thực phẩm cũng có thể là tác nhân làm gia tăng việc lãng phí thực phẩm.

Việc tiêu chuẩn hóa nhãn hết hạn trên thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa - được thực hiện bởi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất - sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu sự nhầm lẫn và lãng phí của người tiêu dùng.

Dana Gunders, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận về rác thải thực phẩm ReFED, cho biết việc khuyến khích các công ty thực phẩm sử dụng các công nghệ mới để dự đoán chính xác hơn nhu cầu của người tiêu dùng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mua dư thừa.

Việc thông qua luật cấm đưa thực phẩm vào bãi chôn lấp cũng sẽ là đòn bẩy lớn để thay đổi. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp quyên góp nhiều thực phẩm chưa bán được và nỗ lực hơn để ngăn chặn lãng phí.

Người bán tạp hóa cũng có thể thực hiện những thay đổi đơn giản tại cửa hàng để giảm lãng phí thịt. Claudia Fabiano, chuyên gia bảo vệ môi trường về chất thải thực phẩm tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, cho biết có một điều mà các cửa hàng tạp hóa có thể làm để giảm thiểu chất thải hải sản một cách cụ thể.

Tổng cộng, các cửa hàng tạp hóa chiếm khoảng 13% lượng thịt thải ra - còn cao hơn ở giai đoạn giết mổ và chế biến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục