Các công trình thủy điện, hồ trữ nước và nhiều công trình khác của con người đang "bóp nghẹt" 75% các con sông dài nhất thế giới, đe dọa đến một trong những hệ sinh thái quan trong nhất của Trái Đất.
Đây là lời cảnh báo được đưa ra trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature (Mỹ), số ra ngày 8/5.
Nhóm nhà khoa học quốc tế đã sử dụng dữ liệu vệ tinh và một phần mềm mô phỏng trên máy tính để tìm hiểu khả năng liên kết của 12 triệu km hệ thống sông trên toàn thế giới. Nghiên cứu đã đưa ra những đánh giá đầu tiên về sự tác động của con người đến đến các con sông trên hành tinh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện trong số 91 con sông dài trên 1.000km, chỉ có 21 con sông còn giữ nguyên sự kết nối trực tiếp giữa đầu nguồn và chảy ra biển. Khoảng 37% trong số 242 con sông dài nhất thế giới còn duy trì dòng chảy tự do, và sự sụt giảm này ảnh hưởng không nhỏ đến đa dạng sinh thái của Trái Đất.
[Báo động tình trạng mất đa dạng sinh học trên thế giới]
Nghiên cứu cũng chỉ rõ khoảng 50% các sông bị xuống cấp nghiêm trọng do chịu tác động từ hoạt động của con người. Các nhà khoa học ước tính rằng có 60.000 đập lớn có độ cao ít nhất 15m trong tổng số 2,8 triệu con đập trên thế giới đang ảnh hưởng đến dòng chảy của sông.
Việc chặn hoặc xây đập trên sông gây cản trở lượng đất phù sa chảy đến các khu vực trồng trọt, thậm chí ảnh hưởng đến vòng đời của một số loài. Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo các đập đang làm sụt giảm đáng kể lượng thủy sản, vốn được coi là nguồn thực phẩm của gần 160 triệu người.
Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Gunther Grill, Khoa Địa lý của Đại học McGill, lý giải hệ thống sông trên thế giới hình thành một mạng lưới phức tạp nối giữa đất, nước ngầm và khí quyển. Do vậy, dòng chảy tự do của các sông có ý nghĩa quan trọng đối với con người và cả môi trường, song các hoạt động phục vụ phát triển kinh tế đang ngày càng làm các sông này bị xuống cấp.
Hiện có khoảng 3.700 dự án đập thủy điện đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, cũng khiến giới khoa học quan ngại về các tác động tới môi trường.
Theo nghiên cứu, hiện phần lớn những sông còn duy trì được dòng chảy vốn có chủ yếu nằm ở các khu vực hẻo lánh tại Bắc Cực, lưu vực sông Amazon và lưu vực sông Congo.
Thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch so với năng lượng từ dầu mỏ, khí đốt hay than đá. Tuy nhiên, những dự án năng lượng khổng lồ bao gồm đập và hồ trữ nước lại gây ra những tác động tiêu cực khôn lường.
Theo giáo sư Bernhard Lehner, Đại học McGill, với tình trạng hiện nay, rõ ràng thủy điện gây ra những tác động phức tạp đối với môi trường hơn so với mặt tích cực của nó, và các quốc gia có thể tìm kiếm những lựa chọn bền vững khác như năng lượng Mặt trời, điện phong./.