'Cơn nghiện' đồng yen yếu của Nhật Bản đang phản tác dụng?

Đồng yen liên tiếp suy yếu sẽ cản trở phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa Nhật Bản, đồng thời tạo áp lực đối với hoạt động sản xuất của các công ty trong nước, do giá nhập khẩu các mặt hàng tăng theo.
Đồng yen của Nhật Bản mất giá. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng yen suy yếu đã làm dấy lên câu hỏi liệu đồng tiền này có thể xuống thấp đến mức nào. Ngân hàng trung ương (BoJ) và Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ can thiệp vào thời điểm nào và như thế nào?

Sau nhiều thập niên đồng yen ở mức thấp, lạm phát của Nhật Bản có thể chạm tới mục tiêu 2% mà BoJ đề ra. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu tốt, bởi điều này xảy ra là do giá nhập khẩu năng lượng và hàng hóa tăng cao trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.

Một vấn đề quan trọng nữa là tỷ giá hối đoái thấp sẽ làm hạ thấp triển vọng tương lai của Nhật Bản thông qua việc làm giảm mức độ cấp thiết để tái cơ cấu nền kinh tế.

Việc duy trì đồng nội tệ ở mức thấp vốn được xem là chính sách ưu tiên nhất quán của Chính phủ Nhật Bản kể từ đầu những năm 2000, thậm chí còn sớm hơn. Các chính phủ trong giai đoạn đó đã phải đau đầu với vấn đề tỷ giá yen so với đồng USD hơn so với các vấn đề khác.

Đồng yen yếu thực sự đã giúp thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội đất nước và các doanh nghiệp lớn nước này ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục. Năm 2018, quy mô kinh tế của Nhật Bản đã đạt 5.000 tỷ USD.

[Đồng yen giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 5 năm]

Tuy nhiên, một đồng yen yếu lại không thúc đẩy lãnh đạo các doanh nghiệp tiến hành tăng lương, hay đầu tư vào đổi mới, tăng năng suất hoặc chấp nhận rủi ro vào những ngành công nghiệp mới mang tính đột phá.

Đồng yen đã giảm xuống 125 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất trong sáu năm qua; nguyên nhân chính là do BoJ đã quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện mục tiêu lạm phát 2%.

Quyết định này hoàn toàn đi ngược với các ngân hàng trung ương lớn khác như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Chính sách đồng yen yếu sẽ giúp xuất khẩu và đầu tư tư nhân trong nước của Nhật Bản tăng trưởng. Tuy nhiên, đồng yen liên tiếp suy yếu sẽ cản trở phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời tạo áp lực đối với hoạt động sản xuất của các công ty trong nước, do giá nhập khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm, năng lượng, nguyên liệu sản xuất tăng theo.

Ngoài chính sách nới lỏng tiền tệ của BoJ, đồng USD đang có xu hướng tăng cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến đồng yen Nhật tiếp tục mất giá. Các chuyên gia tài chính dự báo giá trị đồng yen có thể sẽ giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục