Con đường Xanh hóa trong ngành Thép: Khó khăn hay động lực?

Làm thép Xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, công nghệ, cũng như sự chủ động của doanh nghiệp, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới.
Con đường Xanh hóa trong ngành Thép: Khó khăn hay động lực? ảnh 1Công nhân Nhà máy Xán thép Thái Trung - Công ty Cổ phẩn Gang Thép Thái Nguyên lấy mẫu thép thành phẩm sau khi cán. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu sẽ có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1/10 tới.

Ngành Thép - một trong những ngành tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều, buộc phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình Sản xuất Xanh, giảm phát thải để tăng xuất khẩu vào EU, hướng tới phục tiêu Net Zero trong dài hạn. Tuy vậy, không dễ để các doanh nghiệp có thể thực hiện yêu cầu này.

Khó khăn hay động lực?

Với CBAM, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thời gian khoảng 3 năm chuyển tiếp trước khi CBAM chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng Enerteam, hiện mức phát thải trung bình trong ngành Thép của Việt Nam là 2,51 tấn CO2/tấn thép thô, trong khi mức trung bình của thế giới là 1,85 tấn CO2/tấn thép thô.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tác động của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang EU là một thách thức không nhỏ, nếu xét về ngắn và trung hạn.

Tuy nhiên về dài hạn, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, cùng với quá trình chuyển dịch sang nền Kinh tế Xanh, phát triển Năng lượng Xanh, Sản xuất Xanh thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Thép Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phát triển bền vững.

Cũng theo ông Chu Đức Khải, Chủ tịch Hội Đúc và Luyện kim Việt Nam, xu thế giảm phát thải khí nhà kính là chủ đạo trong tương lai, nên vấn đề cấp thiết của các doanh nghiệp ngành Thép là Xanh hóa các hoạt động của mình.

Để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp thép cần kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Bộ Công Thương và CBAM nếu muốn xuất khẩu sang EU.

[Doanh nghiệp Thép Việt Nam hướng tới chiến lược Tăng trưởng Xanh]

Tuy vậy, ở góc độ doanh nghiệp, thực hiện giảm phát thải không phải việc có thể làm trong một sớm một chiều. Điều này đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến hơn.

Trong bối cảnh ngành Thép đang gặp nhiều khó khăn về giá thấp, đầu ra sản phẩm kém, tác động từ các biện pháp phòng vệ thương mại, thì đây là việc không dễ.

Đại diện POSCO Hàn Quốc cho biết, để ứng phó với quy định này, POSCO Hàn Quốc đang hướng tới mục tiêu đến năm 2050 sẽ trung hòa carbon. Lộ trình từ nay tới năm 2040, POSCO sẽ giảm 50% lượng khí thải carbon.

Tuy nhiên, đây là thách thức không đơn giản. Hiện POSCO Hàn Quốc đang khai thác một kỹ thuật tiên tiến mới là không dùng carbon sản xuất thép mà thay thế bằng hydro.

Công ty này cũng cho biết, đã đến châu Âu 5 lần để đề cập việc này. Phía EU cũng nhận định còn một số vấn đề liên quan tới cơ chế nhưng vẫn kiên quyết với lộ trình kể từ tháng 10 năm nay, các công ty thép; trong đó có Việt Nam phải thực hiện chế độ báo cáo, nếu thông tin không chính xác sẽ bị phạt tiền.

Đây sẽ là rào cản thương mại với ngành Thép, đòi hỏi các doanh nghiệp trong Ngành Thép cần bắt tay nhau để ứng phó với cơ chế CBMA.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này cũng đang nắm bắt thông tin, chuẩn bị để ứng phó bởi mục tiêu là mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.

Nếu không nắm kỹ quy định sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, nhất là khi thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Làm thép Xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, công nghệ, cũng như sự chủ động của doanh nghiệp, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới.

Đây cũng là vướng mắc của nhìn chung của doanh nghiệp. Về phía Tổng công ty Thép Việt Nam, doanh nghiệp sẽ cố gắng đến năm 2050 sẽ trung hòa được carbon, ông Phạm Công Thảo cho biết thêm.

Ứng phó ra sao

Việt Nam đang bước đầu xây dựng lộ trình trung hòa carbon ngành Thép. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ tối ưu hoá quy trình, năng lượng, nguyên liệu thô và cải tiến công nghệ nhằm giảm 10-30% lượng phát thải CO2.

Con đường Xanh hóa trong ngành Thép: Khó khăn hay động lực? ảnh 2Thép thanh Hòa Phát. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Giai đoạn 2025-2030 sẽ sử dụng nguyên liệu carbon thấp, tăng cường lượng khí H2 trong các nhà máy sắt xốp lên 30%, phù hợp với xu hướng thế giới.

Ngoài ra, kế hoạch phát triển thị trường tín chỉ carbon được kỳ vọng sẽ thúc đẩy động lực Xanh hóa trong ngành Thép nói riêng và các ngành phát thải nói chung.

Ông Phạm Quang Anh, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết Sở đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý 4 năm nay.

Đây sẽ là bước lấy đà rất quan trọng trong quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.

EU là một trong những thị trường hàng đầu của ngành Thép. Về chính sách CBAM, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU đã biết tới quy định này nhưng ứng phó ra sao thì cần có kinh nghiệm, sự chia sẻ về các quy định bởi đây là việc hoàn toàn mới.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan để có hành động đáp ứng được Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon của EU (CBAM).

Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon, đảm bảo tiến tới một ngành sản xuất thép có khả năng cạnh tranh và phát triển Xanh.

Các chuyên gia nhận định, năm 2023 là một năm khó khăn đối với ngành Thép Việt Nam khi giá thép giảm liên tục, tiêu thụ kém, tồn kho tăng cao. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường thép trong nước tiếp tục ảm đạm.

Để có thể gỡ khó và đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp thép trong nước phải nâng cao kiến thức và hướng tới Sản xuất Xanh, bền vững, bắt kịp xu thế của thế giới.

Để thúc đẩy xuất khẩu, ngoài sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược/kế hoạch hành động để ứng phó với Cơ chế CBAM.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục