Con đường trở thành tổng thống của bà Hillary còn nhiều chông gai

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Clinton bất ngờ giảm mạnh so với đối thủ bên đảng Cộng hòa là tỷ phú Donald Trump.
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton phát biểu tại lễ bế mạc đại hội. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đi vào lịch sử khi chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên đại diện cho một chính đảng lớn ở Mỹ giành tấm vé tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Tuy nhiên, con đường để vị cựu đệ nhất phu nhân trở thành tổng thống còn nhiều chông gai và thách thức.

Diễn ra đúng một tuần sau Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, chưa bao giờ đảng Dân chủ lại rơi vào tình huống khó khăn đến vậy. Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của đảng Debbie Wasserman Schultz phải từ chức ngay trước thềm đại hội, sau khi trang mạng Wikileaks tiết lộ các email bị rò rỉ cho thấy các lãnh đạo đảng này đã thiên vị bà Clinton so với Thượng nghị sỹ Bernie Sanders tại vòng bầu cử sơ bộ.

Nhiều người đã đặt câu hỏi về độ tin cậy và sự trung thực của bà Clinton, nhất là khi bà từng "dính" vào bê bối sử dụng email cá nhân để xử lý việc công hồi còn giữ cương vị ngoại trưởng. Phe phản đối cho rằng bà không đủ sự cứng cỏi để giữ vị trí lãnh đạo đất nước và bà sẽ bước vào Nhà Trắng với hành trang chính trị lỗi thời của chồng mình là Bill Clinton.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Clinton bất ngờ giảm mạnh so với đối thủ bên đảng Cộng hòa là tỷ phú Donald Trump.

Theo giới quan sát, vụ rò rỉ email đã giáng một đòn nặng vào nỗ lực của đảng Dân chủ trong việc phác họa một bức tranh đoàn kết và ổn định nội bộ, tương phản với sự chia rẽ sâu sắc trong đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, nhờ xử lý kịp thời và cùng các diễn giả uy tín như vợ chồng đương kim Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden..., ngày hội chính trị của đảng Dân chủ đã diễn ra suôn sẻ. Đáng chú ý là vai trò quan trọng của Thượng nghị sỹ Sanders khi ông quyết định đặt sự đoàn kết, thống nhất của đảng lên trên lợi ích cá nhân và kêu gọi những người có cảm tình với ông quay sang ủng hộ bà Clinton.

Trong khi đó, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã có bài phát biểu lay động lòng người khi đề cập đến những giá trị gia đình, ca ngợi bà Clinton đã “cống hiến cả cuộc đời cho trẻ em” - tương lai của nước Mỹ, đồng thời gián tiếp phản bác lại khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump.

Về phần mình, Tổng thống Obama cũng dành những lời "có cánh" cho người đứng đầu ngành ngoại giao nhiệm kỳ đầu của ông khi nhấn mạnh không một người nào hội tụ đủ các phẩm chất và kinh nghiệm để đảm nhiệm cương vị tổng thống hơn bà Clinton vào thời điểm hiện nay.

Ông cũng chỉ rõ khoảng cách giữa một người có kinh nghiệm dày dặn như bà Clinton với đối thủ Trump. Tất cả các phát biểu tại đại hội đều cho thấy hầu hết các lãnh đạo đảng Dân chủ đều thống nhất dành sự ủng hộ tuyệt đối cho bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trái với bản cương lĩnh của đảng Cộng hòa có xu hướng bảo thủ hơn với lập trường cứng rắn về mọi vấn đề, Cương lĩnh tranh cử 2016 của đảng Dân chủ với nội dung cơ bản là sự tiếp nối Cương lĩnh năm 2012 với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy nước Mỹ tiến lên, bảo vệ các giá trị Mỹ và lợi ích của tầng lớp trung lưu. Giới phân tích cho rằng cương lĩnh năm nay nhấn mạnh một số ưu tiên của chính quyền đương nhiệm là điều hợp lý, bởi bà Clinton từng giữ chức ngoại trưởng và cương lĩnh tranh cử của bà có sự kế thừa, tiếp nối nhất định.

Chiến lược gia Winnie Stachelberg của đảng Dân chủ cho rằng cương lĩnh đã đưa ra “thông điệp táo bạo” về những ưu tiên của đảng này, trong đó xác định rõ đường hướng hành động khi nói tới việc đối phó với khủng bố, đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, giải quyết vấn đề Syria và những vấn đề đối nội khác.

Đảng Dân chủ phải tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo để phát triển kinh tế, bảo vệ các lợi ích và giá trị của mình, đảm bảo an toàn và tương lai thịnh vượng cho nước Mỹ. Đảng Dân chủ ủng hộ việc Mỹ duy trì quân đội mạnh nhất thế giới, đảm bảo các khoản ngân sách quốc phòng hợp lý để đương đầu với các thách thức chiến lược trong thế kỷ 21.

Cương lĩnh 2016 ủng hộ thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1; bảo vệ các đồng minh trước mối đe dọa từ Triều Tiên; làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trong khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và tăng cường quan hệ với Myanmar, Pakistan và Ấn Độ.

Bản cương lĩnh cũng nhắc lại cam kết của đảng Dân chủ sẽ đóng cửa nhà tù của Mỹ tại Vịnh Guantanamo (Cuba), đồng thời lên án những tuyên bố của ông Trump về việc cho phép quân đội sử dụng các biện pháp thẩm vấn khắc nghiệt đối với những người bị giam giữ.

Với các vấn đề trong nước, cương lĩnh khẳng định những thành quả mà nước Mỹ đạt được dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Obama như tạo được 14,8 triệu việc làm mới sau khủng hoảng 2008-2009, 20 triệu người được hưởng bảo hiểm y tế; cứu ngành công nghiệp ôtô khỏi sự sụp đổ và đưa ngành này trở thành trung tâm của công nghiệp chế tạo Mỹ với doanh thu kỷ lục; tạo thêm năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu.

Cương lĩnh đặt mục tiêu nâng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, trả lương bình đẳng cho phụ nữ, cải cách Phố Wall và tăng thuế đối với thành phần giàu có. Cương lĩnh cũng kêu gọi cải cách hệ thống tư pháp hình sự, bãi bỏ án tử hình và ủng hộ những thay đổi toàn diện về chính sách di trú của nước Mỹ, ủng hộ chương trình di dân hợp pháp, phản bác chủ trương của ông Trump về việc "cấm cửa" người Hồi giáo.

Về thương mại, cương lĩnh của đảng Dân chủ cho thấy một số điểm tương đồng với cương lĩnh của đảng Cộng hòa khi cho rằng nên phát triển các chính sách thương mại để hỗ trợ công ăn việc làm ở trong nước, sẵn sàng xem xét lại các thỏa thuận đã có, đồng thời quy trách nhiệm cho những quốc gia thao túng tiền tệ và dùng những mánh khóe thương mại bất công bằng.

Trong bài diễn văn bế mạc đại hội, bà Clinton đã chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ để ra tranh cử tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Bà tuyên bố sẽ phấn đấu vì một nước Mỹ với cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả người dân, cam kết với cử tri sẽ đưa nước Mỹ “vượt qua các thách thức hiện nay,” đối mặt với các mối đe dọa an ninh quốc gia ở trong nước cũng như trên thế giới.

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên Phó Tổng thống Tim Kaine tại lễ bế mạc đại hội. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Bà khẳng định “nhiệm vụ hàng đầu” trên cương vị tổng thống là tạo công ăn việc cho người lao động, thúc đẩy bình đẳng về thu nhập và sự an toàn của người dân.

Đây là lần thứ 3 thành phố Philadelphia được đảng Dân chủ chọn làm nơi tổ chức Đại hội đảng toàn quốc. Trong 2 lần trước (1936 và 1948), những người được đại hội của đảng Dân chủ đề cử là Franklin D. Roosevelt và Harry Truman đều dễ dàng đánh bại ứng cử viên của đảng Cộng hòa để tái cử nhiệm kỳ 2.

Những người Dân chủ hiện đang tràn trề hy vọng bà Clinton sẽ tiếp nối chuỗi may mắn đó để đánh bại đối thủ Trump trong trận quyết đấu vào ngày 8/11 tới để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục