Con đường không bằng phẳng trong quan hệ EU-Trung Quốc

Đại sứ Trung Quốc tại EU cảnh báo rằng nếu EU kiềm chế đầu tư của Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến phản ứng thô bạo của Bắc Kinh với làn sóng dịch chuyển nguồn vốn khỏi châu Âu.
Con đường không bằng phẳng trong quan hệ EU-Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: europedecides.eu)

Năm 2020 sẽ là một dấu mốc quyết định mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, và sự thành công của mối quan hệ này phụ thuộc phần lớn vào số phận của các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư song phương đang diễn ra.

Đó là đánh giá của Giám đốc Trung tâm EU-châu Á Fraser Cameron trên trang mạng euractiv.com.

EU và Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc ký kết thỏa thuận đầu tư, và vẫn còn căng thẳng về vấn đề nhân quyền cũng như việc có nên cho phép "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei khai thác thị trường châu Âu hay không.

[Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh của EU]

Năm 2020 cũng chứng kiến không chỉ một mà hai hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên: Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ vào tháng Tư tại Bắc Kinh, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ gặp lãnh đạo mới của EU, và một lần nữa vào tháng Chín khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Leipzig để dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt do Thủ tướng Đức Angela Merkel tổ chức với sự hiện diện của 27 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU.

Việc năm 2020 có kết thúc thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào số phận của các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư song phương kéo dài từ lâu.

Cả hai bên đều tuyên bố dành ưu tiên hàng đầu cho hy vọng ký kết một thỏa thuận về thương mại khi ông Tập Cận Bình đến Đức.

Phát biểu tại Brussels trong tháng 12/2019, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và EU là ưu tiên hàng đầu.

Ông cũng nhấn mạnh rằng EU sẽ tạo một "sân chơi" bình đẳng cho các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó đặc biệt là vấn đề về mạng không dây thế hệ thứ năm (5G).

Còn Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh cảnh báo rằng nếu EU kiềm chế đầu tư của Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến phản ứng thô bạo của Bắc Kinh với làn sóng dịch chuyển nguồn vốn khỏi châu Âu.

Cho đến nay, các quan chức thương mại hàng đầu của EU đang hoài nghi về tiến độ của cuộc đàm phán EU-Trung Quốc.

Tại vòng đàm phán thứ 25 trong tháng 12/2019, Trung Quốc đã đề nghị hạn chế việc tiếp cận thị trường dựa trên danh sách một số lĩnh vực nhất định và mới được đưa vào luật của nước này.

Tuy nhiên, EU muốn Trung Quốc mở cửa trong các lĩnh vực quan trọng như viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, dịch vụ tài chính và chế tạo.

EU cũng muốn Trung Quốc ngừng yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc, xóa bỏ các thủ tục ủy quyền mang tính chất phân biệt đối xử, cải thiện tính minh bạch và chấm dứt trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, EU còn yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các công ước quốc tế về lao động và môi trường như một phần của thỏa thuận.

Người Trung Quốc là những nhà đàm phán cứng rắn và không chịu thua Mỹ trong cuộc chiến thuế quan. Việc EU đạt được mục tiêu ký kết thỏa thuận với Bắc Kinh vào mùa Hè năm 2020 sẽ là một thành tựu lớn.

Các cuộc đàm phán cũng đề cập đến việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi EU đang gây áp lực để hạn chế các khoản trợ cấp công nghiệp và những quy tắc mới cho thương mại điện tử.

Trái ngược với Mỹ, Trung Quốc đã nói về sự cần thiết phải bảo toàn hệ thống đa phương nhưng trên thực tế họ lại chậm phản ứng trước các đề xuất của EU.

Mỹ đã gây sức ép mạnh mẽ để ngăn chặn các thành viên EU sử dụng các thiết bị của Huawei cho hệ thống mạng 5G trong tương lai.

Nhiều quốc gia châu Âu không muốn chọc giận Bắc Kinh - một đối tác thương mại quan trọng - trong khi đó, Mỹ, một đồng minh quan trọng về an ninh, đã nhiều lần nói rằng họ có thể xét lại việc chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia sử dụng Huawei cho mạng 5G của mình.

Tháng 12/2019, EU đã thống nhất rằng các quốc gia thành viên phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện dựa trên đánh giá rủi ro về an ninh trong vấn đề 5G, trong đó chỉ sử dụng thiết bị của các bên đáng tin cậy nhất cho những thành phần quan trọng đối với an ninh quốc gia, đồng thời phải tính đến môi trường luật pháp của bên cung cấp trước khi mua sản phẩm của họ.

Tại Đức, Quốc hội nước này đã tỏ quan điểm phê phán Thủ tướng Angela Merkel với việc hoãn quyết định triển khai mạng 5G cho đến mùa Xuân tới.

Cùng với đó, các nghị sỹ từ một số quốc gia EU bao gồm Anh, Italy, Thụy Điển và Cộng hòa Czech đã lên tiếng phản đối về việc sử dụng Huawei. Một số công ty châu Âu cũng đang bắt đầu quay lưng lại với Huawei. 

Hong Kong cũng là một vấn đề khác đang gây căng thẳng cho mối quan hệ hai bên. EU kêu gọi đối thoại và chấm dứt bạo lực trong khi Bắc Kinh cảnh báo Brussels không được can thiệp vào công việc nội bộ của mình.

Một số nghị sỹ châu Âu cũng đã kêu gọi trừng phạt chống lại chính quyền ở Hong Kong.

EU chưa bao giờ ủng hộ nhóm 17+1, gồm các nước Đông Âu và Balkan, do Trung Quốc thành lập để theo đuổi các mục tiêu phát triển chung.

Trong con mắt của Brussels, đây là một nỗ lực che giấu tham vọng "chia để trị" của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, nhóm các nước khu vực này đã từng biết đến chủ nghĩa cộng sản trong nhiều thập kỷ và có những yêu cầu khác với các quốc gia thành viên Tây Âu.

Tuy nhiên, 17 quốc gia dường như đạt được ít lợi ích từ sự dàn xếp thành lập của Trung Quốc khi hầu hết đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đổ vào các quốc gia thành viên lớn.

Dù EU và Trung Quốc đang trở thành đối thủ trong nhiều lĩnh vực, song họ cũng đang có được sự hợp tác đầy hứa hẹn.

Hai bên đã hợp tác tốt với nhau trong vấn đề hạt nhân Iran, về tình hình Afghanistan cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đang nỗ lực cùng nhau trong việc quản trị đại dương và các lĩnh vực về kết nối.

Trung Quốc có Sáng kiến "Vành đai và Con đường" trong khi EU đang theo đuổi các quan hệ đối tác kết nối của riêng mình, gần đây nhất là việc ký kết một thỏa thuận với Nhật Bản.

Thực tế cho thấy hai bên có khả năng hiệp lực, miễn là Trung Quốc chấp nhận các nguyên tắc về minh bạch và phát triển bền vững của EU.

Cả EU và Trung Quốc đều không thể bỏ qua Mỹ. Chắc chắn là Brussels và Bắc Kinh sẽ theo dõi chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump với sự quan tâm chặt chẽ.

Các cuộc bầu cử ở Mỹ luôn có ảnh hưởng nhất định đến Trung Quốc. Không nghi ngờ gì khi Washington đang tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ của EU cho những nỗ lực kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, EU cũng nên xác định và bảo vệ lợi ích của chính mình trước Trung Quốc.

Thật khó để tưởng tượng rằng Bắc Kinh sẽ muốn một cuộc chiến thương mại với EU bên cạnh một cuộc chiến tương tự với Mỹ.

Chắc chắn, vẫn còn nhiều vấn đề phía trước, và dư luận có lý do để tin rằng 2020 sẽ là năm chứng kiến một con đường không bằng phẳng trong mối quan hệ EU-Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục