Con đường dẫn tới sự phục hồi kinh tế của các nước Đông Nam Á

Có quan điểm cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng có ý nghĩa then chốt trong quá trình đưa Đông Nam Á tiến tới một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ cũng như tới một tương lai bền vững và kiên cường hơn.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bài phân tích trên tờ The Business Times số ra ngày 2/11 dẫn báo cáo chung của Mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia Deloitte và tổ chức Infrastructure Asia (IA) nhận định phát triển cơ sở hạ tầng sẽ có ý nghĩa then chốt trong quá trình đưa khu vực Đông Nam Á tiến tới một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ cũng như tới một tương lai bền vững và kiên cường hơn.

Quan điểm này dựa trên cơ sở cho rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng có hiệu ứng cấp số nhân mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo công ăn việc làm.

Điều đó có nghĩa là tác động cuối cùng của đầu tư cơ sở hạ tầng đối với sản lượng kinh tế lớn hơn nhiều so với mức chi tiêu ban đầu.

Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng có ý nghĩa then chốt đối với việc thiết lập một di sản tích cực của sự tăng trưởng kinh tế dẻo dai, bền vững và hiệu quả hơn.

[Diễn đàn nhân dân ASEAN 2020: Thảo luận các thách thức của khu vực]

Điều này diễn ra khi đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đã chứng minh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng như hệ thống vệ sinh, và quyền tiếp cận thỏa đáng đối với nước sạch và các dịch vụ xử lý chất thải.

Báo cáo cho biết tình hình dịch bệnh đã cho thấy các nền kinh tế và xã hội của các quốc gia trong những tháng gần đây đã gặp khó khăn như thế nào, và điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các nước không được tiếp cận với các mạng lưới viễn thông và cơ sở hạ tầng hậu cần hiệu quả.

Trong khi dịch bệnh COVID-19 cũng đã bộc lộ những sự dễ bị tổn thương khác, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cung ứng để cải thiện việc chăm sóc tích cực hiện nay ở các bệnh viện, cũng như việc nhanh chóng đảm bảo có sẵn các trang thiết bị xét nghiệm và thiết yếu sẽ là những sự chuẩn bị sẵn sàng quan trọng cho các cuộc khủng hoảng có bản chất tương tự trong tương lai.

Theo báo cáo, việc phát triển cơ sở hạ tầng có thể diễn ra theo ba giai đoạn trong quá trình dẫn tới sự phục hồi kinh tế từ dịch bệnh COVID-19.

Trong giai đoạn một là "đối phó," những sự đứt gãy trước mắt do dịch bệnh COVID-19 gây ra có thể được giảm xuống mức thấp nhất bằng việc lấp đầy những lỗ hổng cấp bách về cơ sở hạ tầng.

Ví dụ, trong gói kích thích kinh tế của Malaysia có tài trợ cho việc tiếp cận Internet miễn phí đối với các nhóm người có thu nhập thấp trong thời gian nước này áp đặt lệnh kiểm soát đi lại.

Giai đoạn hai là "phục hồi," có thể cần tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, với việc ưu tiên công tác duy tu bảo dưỡng và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đang tồn tại cũng như đẩy nhanh các dự án đã được phê duyệt trước.

Giai đoạn cuối cùng - "phát triển thịnh vượng" - là đảm bảo tính bền vững và sự phục hồi đó phải bao gồm một tương lai có khí thải carbon thấp, có thể giúp giảm bớt mức độ của các cú sốc kinh tế trong tương lai.

Đồng thời, những dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, xã hội và quản lý (ESG) đã và đang tăng lên, ngay cả trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Theo nghiên cứu của công ty quản lý đầu tư BlackRock, phần lớn các danh mục đầu tư nghiêng về tiêu chí ESG đã hoạt động tốt hơn các đối tác không bền vững trong thời kỳ suy thoái do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Giám đốc cố vấn tài chính của Deloitte, ông Marcus, cho rằng do những yếu tố con người và xã hội liên quan đến những sự đứt gãy như đại dịch COVID-19, đầu tư vào cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng về mặt xã hội sẽ là phù hợp đối với các nhà đầu tư đang tìm cách phân bổ nguồn vốn của họ cho các sáng kiến tạo ra những lợi ích lớn hơn ngoài những lợi nhuận tài chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục