Tổ chức Ân xá Thế giới (AI) vừa lên tiếng cho rằng các cáo buộc về việc nhiều chính phủ sử dụng phần mềm độc hại trên điện thoại do công ty NSO của Israel cung cấp để do thám các nhà báo, thậm chí cả các nguyên thủ quốc gia "là một cuộc khủng hoảng nhân quyền toàn cầu" và đề nghị tạm ngừng mua và sử dụng thứ công nghệ giám sát này.
Trong một tuyên bố ngày 23/7, AI cảnh báo "hậu quả rất lớn khi lĩnh vực phần mềm gián điệp không được quản lý tốt." Tổng Thư ký AI, bà Agnes Callamard cho biết: "Phần mềm này không chỉ đặt ra nguy cơ và gây hại các cá nhân bị chú ý mà còn còn hủy hoại an ninh của môi trường kỹ thuật số nói chung."
Theo bà, NSO của Israel chỉ là một công ty, nhưng "cả một lĩnh vực nguy hiểm đã hoạt động ngoài vòng pháp luật trong một thời gian dài." Bà nhấn mạnh "không thể cho phép điều này tiếp diễn."
[Hungary điều tra các cáo buộc sử dụng phần mềm theo dõi Pegasus]
Phần mềm Pegasus của tập đoàn NSO có khả năng bật camera hoặc microphone trong điện thoại và thu thập dữ liệu. Đây là trung tâm của một vụ bê bối chấn động sau khi rò rỉ một danh sách gồm 50.000 mục tiêu có thể bị theo dõi.
AI và công ty phi truyền thông lợi nhuận Forbidden Stories của Pháp đã hợp tác với một nhóm các công ty truyền thông, trong đó có báo the Washington Post (của Mỹ), the Guardian (của Anh) và Le Monde (của Pháp), phân tích và công bố danh sách trên. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người có tên trong danh sách này, đã phải đổi điện thoại và thay số điện thoại.
Bà Callamard kêu gọi "khẩn cấp quản lý tốt hơn lĩnh vực theo dõi trên mạng, và giám sát tốt hơn ngành công nghiệp đen này." AI kêu gọi lập tức ngừng mọi hoạt động xuất khẩu, buôn bán, chuyển giao và sử dụng công nghệ giám sát "cho đến khi có một khung quy định về việc này."
NSO cho biết đã xuất khẩu phần mềm Pegasus tới 45 quốc gia với sự phê chuẩn của Chính phủ Israel. Công ty này nhấn mạnh phần mềm Pegasus chỉ dùng để chống khủng bố và các tội phạm khác./.