Trong thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc người tham gia giao thông khi đi qua đường ngang có gác chắn không chấp hành luật, cố tình vượt đã dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt.
Mới đây, ngày 19/8 vừa qua, tại gác chắn đường sắt Bắc-Nam giao với Quốc lộ 217 và Quốc lộ 1 (thuộc huyện Hà Trung, Thanh Hoá), khi cần chắn đã hạ, xe khách giường nằm lao đến với tốc độ cao.
[Còn 4.200 đường ngang luôn có ‘tử thần’ rình rập người qua đường]
Chiếc xe bị xuyên vỡ kính chắn gió phía trước. Chiếc cần sắt chọc sâu vào khoang chở khách. Cú đâm khiến hai cần chắn gãy hoàn toàn, xe khách gác đầu trên đường ray. Rất may, vụ tai nạn không có người bị thương, nhân viên gác chắn và người dân đã kịp thời giúp toàn bộ hành khách thoát khỏi xe trước khi tàu đến.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, khi đường sắt có chuông và hạ gác chắn xuống nhưng xe khách vẫn cố tình lao đến, lỗi này thuộc về tài xế xe khách.
“Khi đi qua đường ngang giao với đường sắt, lái xe phải quan sát đèn tín hiệu. Chuông và gác chắn đã hạ xuống, tài xế xe khách đã không tuân thủ tín hiệu giao thông khi qua đường ngang giao cắt đường sắt có tàu đi qua,” ông Thạch nhấn mạnh.
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh an toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam-VNR) cho rằng, khi xảy ra vụ tai nạn, 2 nhân viên gác chắn, một người chạy ngược lại phía tàu chạy ra hiệu, người còn lại giật tim phong kẹp chì để báo cho lái tàu biết có chướng ngại vật. Nếu lúc đó lái tàu không nhận được tín hiệu, chắc chắn sẽ có tai nạn xảy ra.
Theo báo cáo của VNR, sáu tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 143 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm tử vong 67 người, bị thương 104 người; 316 vụ ô tô đâm, va giàn chắn, cần chắn tại các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động, trong đó có đường ngang bị đâm, va gần 30 lần; 17 vụ người điều khiển ôtô cố tình vượt qua đường sắt khi tàu gần đến; 119 vị trí lối đi tự mở đã được thu hẹp nhưng vẫn bị đối tượng xấu phá vỡ nhiều lần...
Một con số thống kê cho thấy, đường sắt có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó đường ngang chính tắc có 1.519, còn lại là 4.200 lối đi tự mở. Hiện, đường sắt có 654 rào chắn và gác chắn ở các đường ngang, hơn 800 đường ngang chưa có.
“70% số vụ tai nạn giao thông là lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề cốt lõi và cực kỳ nan giải trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt,” ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá.
[Đường sắt muốn xóa đường ngang dân sinh ngăn cái chết bất ngờ]
Qua phân tích tai nạn giao thông đường sắt nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông đường bộ ý thức chấp hành pháp luật còn kém, thiếu chú ý quan sát; các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ quá nhiều, đặc biệt còn tồn tại nhiều lối đi tự mở.
Bổ sung thêm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, các vụ tai nạn giao thông đường sắt do lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường dân sinh chiếm tới gần 42%; cùng đó, lỗi do người điều khiển phương tiện vi phạm khoảng giới hạn đường sắt và người đi bộ đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt chiếm gần 9% và lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường ngang có biển báo chiếm trên 11%.
Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã làm các gờ giảm tốc toàn bộ các ngã giao đường dân sinh, tuy nhiên, nhiều chủ xe vẫn thản nhiên điều khiển phương tiện băng qua dù nhân viên gác chắn đã kéo cần chắn để đảm bảo an toàn giao thông cho đoàn tàu lưu thông.
Nhấn mạnh giải pháp đầu tiên quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân, vị Chủ tịch VNR khuyến cáo, mỗi người chỉ cần 30 giây nhìn khi băng ngang qua đường giao cắt với đường sắt thì sẽ không bao giờ xảy ra tai nạn.
“Chỉ 30 giây nhưng đổi cả cuộc đời, liệu có xứng đáng không? Có nhiều gác chắn nhân viên đường sắt đã kéo rồi nhưng ôtô vẫn cố vượt qua. Trong vòng một năm vừa qua, có trên 100 vụ đâm gãy cần chắn, giờ lắp camera truy xuất và gắn trách nhiệm người đâm. Cần chắn tự động không phải bức tường nên nhiều chủ xe thản nhiên nâng lên phi qua. Thậm chí, có Đại biểu Quốc hội đã nói “vẫn còn một bộ phận người dân khi băng qua đường sắt còn tồn tại… văn hóa nhanh chân’,” ông Minh chia sẻ.
[Chủ tịch Đường sắt: 'Thế kỷ 21 vẫn cầm cờ chạy chân đất để bắt tàu’]
Theo ông Minh, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ việc ôtô đâm, va giàn chắn, cần chắn tại các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm quy định pháp luật, phá hoại hoặc gây hư hỏng tài sản của ngành đường sắt, uy hiếp an toàn giao thông và tính mạng nhân viên ngành đường sắt./.