'Con át chủ bài' giúp Trung Quốc tăng bậc trên nấc thang kinh tế

Chiến lược tuần hoàn kép sẽ chia nền kinh tế Trung Quốc thành hai lĩnh vực, và trở nên ít phụ thuộc hơn vào hàng hóa và thương mại từ nước ngoài.
Công nhân làm việc bên trong một dây chuyền sản xuất ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 31/12/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang tin news.com.au của Australia đã đăng bài viết về việc Trung Quốc âm thầm đưa ra một chính sách hoàn toàn mới có thể làm thay đổi nền kinh tế đất nước, vượt qua các tranh chấp thương mại với Mỹ, trong khi cũng có thể gây ra các tác động bất lợi với những nước dựa nhiều vào xuất khẩu như Australia.

Theo news.com.au, chính sách này chỉ hoàn toàn xoay quanh cụm từ có vẻ lành tính, đó là tuần hoàn kép (dual circulation).

Tuy nhiên, cũng giống như cụm từ "Vành đai và Con đường," cụm từ mới này từ Trung Quốc có thể sớm trở nên rất phổ biến.

Năm năm một lần, Trung Quốc đề ra chiến lược phát triển kinh tế-xã hội rộng lớn. Là một nền kinh tế được quản lý và điều hành tập trung, những kế hoạch này có thể có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc cũng như toàn thế giới do sức mạnh tài chính của cường quốc châu Á.

Cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060 khi công bố kế hoạch 2020-2025 đã nhận được sự chú ý rất lớn. Tuy nhiên, chiến lược tuần hoàn kép mới được kỳ vọng sẽ có tác động sâu rộng hơn.

[Trung Quốc cam kết thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt]

Giải thích về chiến lược tuần hoàn kép của Trung Quốc, trang news.com.au cho biết về cốt lõi, tuần hoàn kép tìm cách khắc phục điểm yếu của kinh tế Trung Quốc. Chiến lược sẽ chia nền kinh tế Trung Quốc thành hai lĩnh vực, và trở nên ít phụ thuộc hơn vào hàng hóa và thương mại từ nước ngoài.

Tuần hoàn đầu tiên là nền kinh tế trong nước. Phát triển kinh tế trong nước sẽ giúp Trung Quốc ít chịu ảnh hưởng hơn từ các "cú sốc" kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, việc sản xuất nhiều loại hàng hóa hơn ở trong nước - từ chất bán dẫn đến đậu tương - cũng sẽ giúp Trung Quốc không gặp khó khăn khi Mỹ hoặc các quốc gia khác cắt đứt chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng, điều đang xảy ra hiện nay.

Vòng tuần hoàn thứ hai là nền kinh tế quốc tế mà Trung Quốc vẫn muốn tham gia.

Trang news.com.au trích lời của Giáo sư Jane Golley thuộc Trung tâm Trung Quốc trên Thế giới, thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) phân tích, hai vòng tuần hoàn này có thể khép kín và tách biệt nhau. Mức độ tương tác giữa hai vòng tuần hoàn có thể tăng giảm tùy thuộc vào căng thẳng quốc tế.

Bà Golley nói: "Trung Quốc chưa bao giờ trở nên toàn cầu hơn như bây giờ. Vì vậy, chiến lược này không phải là việc tách rời rạch ròi hai vòng tròn mà về cơ bản, là thúc đẩy khả năng tự cung cấp công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt trong những lĩnh vực có căng thẳng với Mỹ. Có thể có sự hội nhập bình thường trong thời kỳ không khủng hoảng nhưng sẽ là sự hội nhập cẩn thận hơn và các hình thức hội nhập khác trong thời kỳ khủng hoảng."

Trang news.com.au nhận xét, mặc dù chiến lược trên không phải là một lý thuyết hoàn toàn mới, nhưng đây là lần đầu tiên chiến lược này được xác định rõ ràng là chính sách quốc gia.

Hạn chế "sự mỏng manh" trong nước

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, các doanh nghiệp của nước này đã phát triển mạnh mẽ.

Các thương hiệu như Lenovo, Huawei, China Southern và TikTok đã xuất hiện và trở nên nổi tiếng thế giới.

Tại Australia, các công ty Trung Quốc sở hữu các doanh nghiệp quan trọng như công ty năng lượng EnergyAustralia và công ty sữa Bellamy’s.

Tuy nhiên, trong khi thế giới trở nên "nghiện" các sản phẩm của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng cảm thấy quan ngại khi nước này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các mặt hàng chủ chốt đến từ nước ngoài - đậu tương từ Mỹ, chất bán dẫn từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Mỹ, thép và thịt bò từ Australia…

Khi mối quan hệ với các đối tác thương mại xấu đi, các chuỗi cung ứng quan trọng vào Trung Quốc trở nên dễ bị tổn thương. Ví dụ, Mỹ đã hạn chế xuất khẩu linh kiện bán dẫn do lo ngại Trung Quốc rằng có thể sử dụng chúng cho mục đích quân sự.

Theo news.com.au, tuần hoàn kép sẽ cho phép sự "tách rời" công nghệ, qua đó giúp Trung Quốc không còn phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, chẳng hạn như linh kiện công nghệ cao, những sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh.

Chiến lược tuần hoàn kép đặt ra mục tiêu, đến năm 2035, Trung Quốc sẽ sản xuất ra nhiều hơn các chất bán dẫn, dầu thô, thịt lợn, ngũ cốc... hay khai thác đất hiếm.

Mục tiêu này cho thấy mối bất an lớn của Bắc Kinh về lương thực và năng lượng. Do nước này không sản xuất đủ lương thực cho tất cả người dân, nếu các tuyến vận chuyển bị phong tỏa, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với nạn đói trong nước.

"Vòng kiềm tỏa" với các quốc gia khác?

Theo news.com.au, một số chuyên gia về Trung Quốc chỉ ra rằng chiến lược tuần hoàn kép sẽ cho phép Bắc Kinh gây áp lực gián tiếp lên các chính phủ nước ngoài.

Sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc sau đại dịch đã giúp nước này trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài. Các công ty này, đến lượt mình, có thể vận động các nhà lãnh đạo quốc gia dễ dãi với Trung Quốc mỗi khi xảy ra khủng hoảng ngoại giao.

Hơn nữa, Bắc Kinh cũng đã từng sử dụng áp lực kinh tế lên chính phủ các nước khác. Năm 2017, các cửa hàng do người Hàn Quốc làm chủ ở Trung Quốc đã bị đóng cửa và lượng khách Trung Quốc đến Hàn Quốc giảm mạnh khi Seoul làm mất lòng Bắc Kinh.

Trong khi đó, nếu chiến lược mới tuần hoàn kép thành công, Australia là nước có thể bị thiệt hại về mặt kinh tế. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia lớn nhất Thái Bình Dương nhưng quan hệ ngoại giao giữa hai nước đang ở trong thời kỳ tồi tệ nhất.

Trong tuần qua, Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra đã cung cấp cho truyền thông Australia một danh sách các lý do khiến Bắc Kinh không hài lòng, bao gồm cả việc Australia có nền báo chí tự do.

Giáo sư Golley cho biết Trung Quốc cảm thấy khó chịu khi Australia từ chối Huawei (tham gia vào việc nâng cấp công nghệ) do những lo ngại về an ninh. Trong sáu tháng qua, Trung Quốc đã áp thuế quan đối với một số hàng hóa của Australia và ngừng nhập khẩu một số mặt hàng từ nước này.

Theo bà Golley, mặc dù Trung Quốc vẫn cần rất nhiều hàng hóa của Australia trong những năm tới nhưng chiến lược dài hạn sẽ là giảm sự phụ thuộc vào Australia. Ví dụ, chiến lược tăng trưởng xanh của Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên của Australia. Tuy nhiên, theo Giáo sư Golley, có thể xuất hiện các "cơ hội mới" về kinh doanh giữa hai nước.

Một cuộc chiến giành ưu thế công nghệ?

Theo news.com.au, trong một báo cáo cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, hai chuyên gia Andrew Polk và Jude Blanchette nhận định nếu tuần hoàn kép mang lại hiệu quả, những tác động đối với kinh tế toàn cầu sẽ là "nghiêm trọng."

Báo cáo trên nhấn mạnh: "Trong khi các nhà hoạch định chính sách và bình luận của Trung Quốc tuyên bố tuần hoàn kép không có nghĩa là xoay trục toàn diện ra khỏi hội nhập kinh tế toàn cầu hoặc phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài, chỉ một sự xoay chuyển nhỏ của Trung Quốc khỏi chính sách tập trung vào các hoạt động xuất khẩu theo chủ nghĩa trọng thương cũng có thể làm thay đổi về cơ bản thương mại toàn cầu và dòng vốn đầu tư."

Theo Giáo sư Golley, tuần hoàn kép có thể không chỉ cho phép Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào thế giới bên ngoài mà còn có thể cạnh tranh và thậm chí thống trị một số ngành mà hiện nay nước này vẫn còn thiếu.

Giáo sư Golley nói đây là cuộc chiến giành ưu thế công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Và Trung Quốc muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

Trái ngược với giả định cho rằng nền kinh tế kế hoạch của Trung Quốc và sự kiểm soát của Bắc Kinh sẽ không đưa đến sự đổi mới và giàu có, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển.

Bà Golley phân tích: "Trung Quốc được nhận định là sẽ thất bại. Nhưng khi bạn có một đảng chính trị biết lôi kéo khu vực tư nhân, các trường đại học, các ngành công nghiệp và những bên liên quan khác tham gia vào một sứ mệnh - và sau đó bạn đầu tư rất nhiều tiền vào đó - bạn rất có thể sẽ thành công."

Trang news.com.au kết luận hiện nay tuần hoàn kép có thể còn là một thuật ngữ trừu tượng, nhưng Bắc Kinh đang hy vọng rằng chiến lược này sẽ trở thành một "con át chủ bài" để đưa nước này lên đỉnh của "nấc thang" kinh tế toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục