"Cơn ác mộng" Paris và hệ lụy "đổ dầu vào lửa" cho biên giới châu Âu

Những tác động của vụ khủng bố này đối với nước Pháp nói riêng và châu lục nói chung trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị được cho là rất lớn.
Tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Paris. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Thủ đô Paris của Pháp đêm 13/11 đã trải qua một "cơn ác mộng" chưa từng có trong lịch sử khi phải hứng chịu một loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra ở nhiều địa điểm khác nhau, lấy đi sinh mạng của ít nhất 129 người và khiến khoảng 300 người bị thương.

Hiện nay, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, những tác động của vụ khủng bố này đối với nước Pháp nói riêng và châu lục nói chung trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị được cho là rất lớn.

Đầu tiên phải kể đến vấn đề đang nổi cộm nhất hiện nay tại châu Âu là cuộc khủng hoảng nhập cư. Các chính phủ châu Âu, vốn đang phải đối mặt với những cái nhìn đầy hoài nghi của dư luận liên quan đến việc thực thi chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn từ khu vực Trung Đông và châu Phi, nay lại phải tiếp tục “gồng mình” để thuyết phục người dân ủng hộ quyết định này.

Dư luận quan ngại rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể trà trộn vào số 800.000 người di cư ồ ạt đổ về “lục địa Già” trong năm nay. Mới đây, Ba Lan đã lên tiếng phản đối việc tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch của châu lục sau đêm khủng bố kinh hoàng ở Paris.

Cảnh sát Pháp kiểm soát tại khu vực "Cầu châu Âu" nối Strasbourg (Pháp) với Kehl, thị trấn miền Nam Đức, sau các vụ tấn công ở Paris. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Tiếp theo là vấn đề luôn gây tranh cãi liên quan đến điều luật cho phép người dân đi lại tự do trong khu vực Schengen (bao gồm 22 quốc gia thuộc châu Âu) mà không cần hộ chiếu hay thị thực.

Có ý kiến cho rằng việc để lọt những kẻ khủng bố hoặc vũ khí của chúng khi qua biên giới châu Âu sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” đối với những nỗ lực nhằm cứu vãn quy chế cho phép người dân đi lại tự do trong khu vực Schengen của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk.

Trước khi vụ khủng bố xảy ra, cuộc khủng hoảng nhập cư cũng đã một lần thách thức quy chế này, buộc Đức và Thụy Điển phải tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới, trong khi Áo, Hungary và một số nước khác thậm chí còn xây dựng hàng rào biên giới. Sau đêm 13/11 tại Paris, Pháp, Bỉ và Đức đã tăng cường kiểm soát biên giới.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, vụ khủng bố ở Paris diễn ra ngay trước đêm đàm phán hòa bình Syria khai mạc, được cho sẽ là “chất xúc tác” thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới vượt qua những bất đồng để cùng chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục