Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của 21 bộ, cơ quan ngang bộ theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg (về phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ).
Trong số đó, đã thực thi phương án phân cấp 81 thủ tục hành chính tại 15 văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với 34 thủ tục (tại 6 văn bản), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 20 thủ tục (tại 2 văn bản), Bộ Tài nguyên và Môi trường 13 thủ tục (tại 2 văn bản).
Như vậy, vẫn còn tới 618 thủ tục hành chính chưa thực thi phương án phân cấp, tập trung vào các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Nội vụ, Công an, Công Thương, Tài chính (mỗi bộ có từ 45-69 thủ tục).
Trong số 618 thủ tục hành chính kể trên, có 568 thủ tục đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp nhưng trong hạn, còn 50 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực Công an; kế hoạch và đầu tư; văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng; y tế; thanh tra và dân tộc đã quá hạn. Riêng Bộ Y tế có 28 thủ tục và Bộ Xây dựng có 12 thủ tục đã quá hạn mà chưa thực thi phương án phân cấp.
Ngày 30/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực quản lý Nhà nước (chiếm 13,47% tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ). Theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản để thực thi phương án phân cấp, trong đó có: 32 luật, 87 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 5 thông tư liên tịch, 97 thông tư và 3 quyết định của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Lộ trình thực thi các phương án phân cấp trong giai đoạn từ 2022-2025, đối với các phương án phân cấp cần sửa đổi, bổ sung nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư liên tịch và thông tư sẽ triển khai trong giai đoạn 2022-2023, các phương án phân cấp cần sửa đổi, bổ sung luật triển khai trong giai đoạn 2022-2025 để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm các phương án phân cấp sớm đi vào cuộc sống.
[DN nước ngoài mong giảm chi phí, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính]
Quyết định và các phương án phân cấp được xây dựng trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các bộ, cơ quan ngang bộ, đồng thời nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các địa phương và các cơ quan thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đối với từng phương án phân cấp cụ thể.
Các phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính giúp giảm tầng nấc, giảm khâu trung gian, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện và bảo đảm nguyên tắc cấp nào sát cơ sở, sát dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định liên quan theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế, các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo cấp có thẩm quyền áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và theo trình tự, thủ tục rút gọn hoặc lồng ghép nội dung phương án phân cấp trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm chất lượng, tiến độ và phù hợp với nhiệm vụ, lộ trình tại Quyết định này, Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chương trình công tác của Chính phủ và Kế hoạch công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực thi Phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính và tổng hợp các vấn đề phát sinh, vướng mắc của các bộ, cơ quan, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), Văn phòng Chính phủ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách các quy định kinh doanh nhằm tăng cường môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và giảm chi phí tuân thủ các yêu cầu về quy định và thủ tục./.