Còn 3/4 công trình xây từ khoản tiền bồi thường của Formosa chưa hoàn thành ​

Giải thích việc chậm tiến độ của 3 dự án từ nguồn tiền bồi thường của FHF, ông Võ Tá Sơn cho biết, trong quá trình thực hiện do vướng một số quy định, chờ văn bản hướng dẫn nên kéo dài thêm thời gian.
Một góc nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Sau sự cố môi trường biển do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) Hà Tĩnh gây thiệt hại cho 4 tỉnh miền Trung, FHS sau đó tổ chức bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng và bồi thường tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngư dân vùn ven biển.

Tuy nhiên, tại tỉnh Hà Tĩnh, 4 dự án được chọn xây dựng từ nguồn tiền bồi thường của FHS để phục hồi kinh tế biển triển khai chậm tiến độ buộc phải gia hạn nhiều lần. Người dân mong đợi giải pháp thúc đẩy để đơn vị chức năng sớm triển khai và hoàn thành các dự án này.

Tháng 5/2019, Chính phủ ban hành quyết định số 476/QĐ-TTg về việc đầu tư các dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” và dự án “Phục hồi, tái tạo, hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” tại 4 tỉnh miền Trung sử dụng khoản tiền bồi thường của FHS.

Dự án nhằm xây dựng, nâng cấp các cơ sở dịch vụ, hậu cần nghề cá cho cộng đồng ngư dân ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế để khôi phục, phát triển sản xuất thủy sản.

Đồng thời, phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ 4 địa phương kể trên nhằm tái tạo hệ sinh thái rạn san hô, hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tỉnh Hà Tĩnh được bố trí 400 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án gồm: 280 tỷ đồng đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên); 20 tỷ đồng nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân); 40 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh); 60 tỷ đồng đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà). Tỉnh đã giao Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh thực hiện 4 dự án này.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1 dự án hoàn thành, 3 dự án còn lại chậm tiến độ nên tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Chính phủ xin phép gia hạn và được đồng ý kéo dài thời gian triển khai dự án đến ngày 31/12/2024.

Ông Võ Tá Sơn - Trưởng phòng Quản lý dự án (Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh) cho biết, số tiền 400 tỷ đồng được bồi thường từ Công ty Formosa để đầu tư 4 dự án hiện đã giải ngân được hơn 181 tỷ đồng; trong đó, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà đã giải ngân thanh toán, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cả 3 dự án còn lại vẫn chậm tiến độ.

Ghi nhận tại xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, dự án khu neo đậu tránh trú bão thi công khang trang, sách đẹp và được người dân trong vùng sử dụng hiệu quả. Tàu, thuyền của ngư dân trong vùng vào tránh trú bão an toàn.

Dự án này có tổng diện tích gần 5,5 ha; trong đó, khu hậu cần nghề cá 3,26 ha, số diện tích còn lại dành cho khu điều hành phụ trợ, khu xử lý nước thải, rác thải, đất xây dựng trạm biến áp, đất dự trữ phát triển và giao thông nội bộ.

Ông Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch xã Kỳ Hà, chia sẻ từ khi công trình khu neo đậu tránh trú bão được đưa vào sử dụng, tại xã Kỳ Hà có khoảng 400 tàu thuyền, thường xuyên vào neo đậu, giao thương.

Ngoài ra, có hàng ngàn tàu thuyền các địa phương lân cận như Kỳ Ninh, Kỳ Hải… cũng thường xuyên vào tránh trú bão và buôn bán hàng thủy sản. Đặc biệt, vào mùa mưa, bão, triều cường, tàu thuyền trong vùng được vào tránh trú an toàn.

Giải thích việc chậm tiến độ của 3 dự án từ nguồn tiền bồi thường của FHF, ông Võ Tá Sơn cho biết, trong quá trình thực hiện do vướng một số quy định, chờ văn bản hướng dẫn nên đã kéo dài thêm thời gian.

Hơn nữa, ngay từ khi thực hiện dự án đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, quá trình phong tỏa khiến các đơn vị tư vấn thực hiện không thể về địa phương để tiến hành khảo sát, lập báo cáo dẫn đến thời gian bị kéo dài. Thêm vào đó, trận lụt lịch sử vào cuối năm 2020 cũng tác động lớn đến tiến độ thực hiện dự án.

Ban quản lý sẽ triển khai các dự án còn lại trong thời gian sớm nhất là tháng 1 và tháng 2/2024, đồng thời huy động lực lượng tăng tiến độ thi công, kế hoạch thi công làm 3 ca, tranh thủ các điều kiện thuận lợi về thủy triều để đảm bảo công trình hoàn thành trước 31/12/2024.

Nhu cầu của người dân vùng ven biển về khu vực hậu cần nghề cá rất cấp thiết để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, bảo vệ an toàn vùng trời vùng biển. Tỉnh Hà Tĩnh cần có giải pháp căn cơ, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thành các công trình từ nguồn vốn mà Công ty FHS đã bồi thường sau sự cố môi trường biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục