Colombia sẽ trưng cầu ý dân về thỏa thuận với FARC

Tổng thống Colombia Santos tuyên bố sẽ đưa bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đạt được với FARC ra trưng cầu ý dân trên toàn quốc.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ngày 22/8 tuyên bố sẽ đưa bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đạt được với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) ra trưng cầu ý dân trên toàn quốc.

Tổng thống Santos cho biết trong dự luật mới trình Quốc hội Colombia chiều cùng ngày, cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức cùng thời điểm với cuộc bầu cử quốc hội hoặc bầu cử tổng thống dự kiến được tiến hành vào năm sau.

Theo ông Santos, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và FARC đang có nhiều tiến triển thuận lợi, vì vậy người dân cần được tạo điều kiện để tham gia góp tiếng nói quyết định về các thỏa thuận đạt được. Tổng thống Santos cũng bày tỏ hy vọng đạt được thỏa thuận hòa bình trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2014.

Dự kiến, cuộc bầu cử Quốc hội Colombia sẽ diễn ra vào tháng 3/2014, và bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào tháng 5/2014.

Hiện Chính phủ Colombia và FARC đang tiến hành vòng đàm phán hòa bình thứ 13 tại thủ đô La Havana của Cuba trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ qua ở quốc gia Nam Mỹ này. Tháng 5 vừa qua, hai bên đã đạt được thỏa thuận cốt lõi về vấn đề cải cách đất đai và phát triển nông thôn, và đang tiến tới thỏa thuận về sự tham gia chính trường của FARC.

[FARC đề xuất đảm bảo việc tham gia chính trường]

Những động thái gần đây của các bên liên quan trong cuộc xung đột này được giới quan sát đánh giá là những dấu hiệu tích cực, mở ra hy vọng mới rằng nền hòa bình sẽ sớm trở lại quốc gia Nam Mỹ này. Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài hơn 50 năm qua tại Colombia đã khiến ít nhất 600.000 người thiệt mạng, 15.000 người mất tích và gần 4 triệu dân phải đi lánh nạn.

Trong khi đó, với sự ủng hộ của FARC, ngày 22/8, hàng nghìn nông dân và tài xế xe tải ở Colombia tiếp tục biểu tình đòi chính phủ có các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp, cải thiện dịch vụ y tế và cung cấp nước sạch ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, người biểu tình cũng yêu cầu chính phủ đảm bảo quyền sử dụng đất của các hộ nông dân nghèo, có các chính sách hỗ trợ công nhân mỏ. Các cuộc biểu tình đã làm cản trở giao thông trên nhiều quốc lộ, đặc biệt ở khu vực Boyaca, khiến hàng hóa không vào được thủ đô Bogota./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Kinh tế Mỹ năm 2024 nhiều yếu tố bất ngờ

Bất chấp những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống, lãi suất tăng cao và thị trường lao động hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế của cường quốc này vẫn duy trì vững chắc trong năm 2024.