Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ngày 28/1 cho biết Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) sẽ là "đồng minh" của chính phủ nước này trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy nếu hai bên ký kết thỏa thuận hòa bình chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài nửa thế kỷ qua.
Theo ông Santos, sau khi thỏa thuận hòa bình được ký, FARC sẽ bắt đầu hỗ trợ Chính phủ trong cuộc chiến chống ma túy bằng việc thay thế các loại cây trồng dùng để sản xuất ma túy bằng các loại cây trồng hợp pháp cũng như triệt phá các đường dây buôn lậu ma túy.
Trong 30 năm qua, Chính phủ Colombia gặp nhiều khó khăn trong việc loại bỏ những loại cây trồng được sử dụng để sản xuất ma túy, trong đó có coca - loại cây trồng dùng để chế biến cocaine.
FARC và Bogota đã đạt được nhiều bước tiến then chốt trong những tháng gần đây và hai bên đã đặt thời hạn chót cho việc ký kết thỏa thuận hòa bình cuối cùng vào ngày 23/3 tới, mặc dù FARC cảnh báo rằng tiến trình này có thể vấp phải những trở ngại đáng kể.
Cuộc xung đột giữa FARC và quân đội chính phủ Colombia đã lôi kéo sự tham gia của các nhóm bán vũ trang cánh hữu, các băng nhóm buôn lậu ma túy, và một số nhóm vũ trang cánh tả - trong đó FARC là lực lượng lâu đời nhất và lớn nhất.
Nạn buôn lậu ma túy đã khiến xung đột leo thang, đồng thời tình trạng bạo lực giữa các băng nhóm buôn bán ma túy gia tăng kinh hoàng làm cho hơn 220.000 người thiệt mạng và khoảng 6 triệu người mất nhà cửa.
Kể từ năm 1999, Colombia đã được nhận khoản tài trợ 9 tỷ USD của Mỹ trong khuôn khổ chương trình hợp tác quân sự và kinh tế giữa hai nước nhằm chống buôn lậu ma túy mang tên "Kế hoạch Colombia" (Plan Colombia).
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn là nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới, đặc biệt là cocaine. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy riêng trong năm 2015, khối lượng cocaine được sản xuất lại Colombia đã tăng 52%, lên tới 442 tấn./.