Ngày 28/10, Trưởng đoàn đàm phán nhóm Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) Pablo Beltran khẳng định sẽ thực hiện cam kết trả tự do cho cựu nghị sỹ Odin Sanchez bị bắt từ 6 tháng nay.
Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Beltran tuyên bố ELN đã cam kết phóng thích ông Sanchez trong thời gian diễn ra hòa đàm vòng một và sẽ thực hiện điều này. Ông cũng khẳng định ELN chưa đưa ra một thời điểm cụ thể nào về việc trả tự do cho con tin nói trên.
Trước đó, ngày 27/10 vừa qua, Chính phủ Colombia tuyên bố hoãn khởi động việc ra mắt bàn đàm phán với ELN tại thủ đô Quito của Ecuador bởi nhóm vũ trang này không trả tự do cho ông Sanchez. Việc trả tự do cho ông Sanchez là điều kiện mà Chính phủ Colombia đưa ra để có thể chính thức tiến hành hòa đàm.
Ngay sau khi Bogota đưa ra tuyên bố trên, ELN thông báo sẽ tiến hành thủ tục trả tự do cho ông Sánchez và bày tỏ không hài lòng với quyết định của chính phủ Tổng thống Juan Manuel Santos.
Theo lộ trình đã được thỏa thuận hôm 10/10 vừa qua tại Venezuela, việc thiết lập đàm phán chính thức giữa Chính phủ Colombia và ELN dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 5 giờ sáng 28/10 theo giờ Hà Nội. Tuy nhiên, do ELN chậm trả tự do cho ông Sanchez, Chính phủ Colombia đã quyết định hoãn khởi động hòa đàm.
Chính phủ Colombia bắt đầu hòa đàm sơ bộ bí mật với ELN - nhóm vũ trang lớn thứ hai tại quốc gia Nam Mỹ này sau Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) - từ tháng 1/2014 với mục đích tiến tới chấm dứt xung đột vũ trang. Hồi tháng Ba vừa qua, Tổng thống Santos thông báo sẽ chính thức khởi động đàm phán với ELN với điều kiện tổ chức này phải trả tự do và ngừng bắt cóc con tin.
ELN thành lập vào năm 1964, hiện có khoảng 3.000 thành viên.
Trong khi đó, Chính phủ Colombia và FARC dự kiến sẽ nối lại đàm phán tại thủ đô La Havana (Cuba) vào ngày 3/11 tới nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình mới sau khi thỏa thuận trước đó bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý tại Colombia ngày 2/10 vừa qua.
Trưởng đoàn đàm phán của FARC Ivan Marquez cho biết hai bên sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tổ chức và cá nhân trong xã hội Colombia, trong đó có những người đã phản đối thỏa thuận hòa bình. Ông bày tỏ tin tưởng rằng chính quyền của Tổng thống President Juan Manuel Santos có đủ sức mạnh để thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Colombia, cựu Phó Tổng thống Humberto de la Calle nhấn mạnh thỏa thuận cuối cùng ký ngày 26/9 vừa qua đã bao gồm những giải pháp và những cải cách cần thiết để đặt nền móng cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh.
Ông cho biết nhiều đề xuất sẽ được bổ sung vào văn bản mới. Tuần trước, hai bên đã tiến hành phân tích 445 đề xuất để sửa đổi và làm rõ hơn nội dung của thỏa thuận cuối cùng.
Thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và FARC được ký kết hôm 26/9, song văn bản này đã bị đa số cử tri Colombia bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/10 với tỷ lệ sít sao.
Hôm 22/10 vừa qua, đại diện Chính phủ Colombia, do cựu Phó Tổng thống Humberto de la Calle và FARC đã tái khởi động cuộc đàm phán ở thủ đô La Habana (Cuba). Hai bên cũng đã đạt được cơ chế xem xét những đề xuất của cả phe ủng hộ cũng như phản đối thỏa thuận hòa bình với FARC.
Sau cuộc trưng cầu dân ý, Tổng thống Santos đã thành lập ủy bản đối thoại với đảng Trung tâm Dân chủ (CD) của cựu Tổng thống Alvaro Uribe, người đi đầu phong trào phản đối, để thảo luận về khả năng sửa đổi các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình, trong đó có việc yêu cầu xét xử những người có trách nhiệm thuộc FARC trong vụ xung đột vũ trang kéo dài suốt 52 năm, cũng như không cho tổ chức này quyền ưu tiên khi tham gia vào chính trường như việc có 5 ghế tại Thượng viện và 5 ghế tại Hạ viện./.