Coi trọng vai trò của khoa học xã hội trong hoạch định đường lối

Tại hội thảo ở Hà Nội, các đại biểu đã luận giải về các giải pháp thúc đẩy khoa học xã hội phát triển xứng tầm với yêu cầu cách mạng của đất nước trong thời kỳ mới.
Một hội thảo khoa học. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò của khoa học xã hội trong hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của Đảng."

Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; giáo sư-tiến sỹ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn và nhiều chuyên gia, nhà lý luận, đại diện các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành ủy.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu rõ khoa học xã hội ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, khoa học xã hội có chức năng nghiên cứu cơ bản, toàn diện về xã hội và con người Việt Nam, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tham gia thẩm định các chương trình, dự án phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, xây dựng và phát triển nền khoa học xã hội đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước.

Trong 30 năm đổi mới đất nước, đóng góp của khoa học xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Khoa học xã hội đã góp phần khẳng định tính đúng đắn của đường lối phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội do Đảng khởi xướng, lãnh đạo thực hiện từ Đại hội VI đến nay. Nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng của khoa học xã hội đã đóng góp thiết thực vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tình hình trong nước và thế giới hiện nay đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới, bức xúc, đòi hỏi ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam phải đi sâu nghiên cứu, lý giải có căn cứ khoa học nhằm góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; phát huy sức mạnh của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới tư duy lý luận.

Khoa học xã hội Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải những vấn đề cơ bản và chiến lược đã đặt ra nhưng còn chưa được giải quyết thấu đáo; đồng thời, phải luôn coi trọng tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm và nghiên cứu những vấn đề thực tiễn mới của đất nước cần giải đáp về mặt lý luận trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị các nhà lý luận, nhà nghiên cứu thảo luận một cách thấu đáo, khoa học, đổi mới tư duy tiếp cận một số vấn đề có tính bổ sung, phát triển lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối đổi mới của Ðảng để vận dụng sáng tạo vào triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII, góp phần thiết thực vào sự phát triển bền vững đất nước trên các phương diện kinh tế-văn hóa-xã hội.

Với tinh thần thẳng thắn, các tham luận được trình bày và gửi đến hội thảo đã luận giải về các giải pháp thúc đẩy khoa học xã hội phát triển xứng tầm với yêu cầu cách mạng của đất nước trong thời kỳ mới; làm cho khoa học xã hội Việt Nam từng bước vững mạnh, đóng góp quan trọng vào việc cung cấp các luận cứ khoa học để phục vụ công tác tham mưu với Trung ương Ðảng về hoạch định chủ trương, đuờng lối phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh cần thực sự coi trọng vai trò của khoa học xã hội trong đời sống, trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững đất nước; đầu tư nguồn lực xứng tầm cho nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là chăm lo đội ngũ những người công tác trong các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo các lĩnh vực khoa học xã hội.

Các đại biểu đề nghị cần củng cố, phát triển hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học xã hội cho phù hợp với yêu cầu mới; đổi mới nội dung, phương thức nghiên cứu, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội; coi trọng và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học xã hội tới các tầng lớp nhân dân.

Khoa học xã hội phải tham gia tích cực, sắc bén cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc về chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ uy tín của Ðảng, Nhà nước, khẳng định tính đúng đắn của con đường cách mạng mà Ðảng, Bác Hồ và Nhân dân lựa chọn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục