Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đồng thời triển khai hàng loạt các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế, khi số doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp chỉ chiếm 1%, với quy mô số vốn khoảng 3%.
Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân – VPSF 2017, Nhóm công tác Nông Nghiệp đã thẳng thắn đưa ra những vấn đề tồn tại kìm hãm phát triển ngành đồng thời trình bày chiến lược tổ chức hệ thống sản xuất lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, quan điểm chính sách thương mại lấy thị trường làm mục tiêu và thước đo.
“Trói tay” sản xuất quy mô lớn
“Tích tụ đất canh tác là rào cản lớn nhất, bởi Việt Nam chưa có cơ chế tiếp cận linh hoạt vì vậy doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp phải tiếp cận từng hộ dân nếu muốn có diện tích lớn,” ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Công ty ThaibinhSeed, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, đại diện Nhóm công tác Nông nghiệp nhấn mạnh.
Với cơ chế đất nông nghiệp chia theo hộ, cả nước có tới 13,8 triệu hộ nông dân đang sở hữu 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, rời rạc và điều này đã “trói tay” khát vọng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Bên cạnh đó, chính sách thuế trong nông nghiệp cũng đang cản trở phát triển sản xuất quy mô lớn. Nhà nước quy định các nông hộ không phải nộp thuế giá trị gia tăng trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi doanh nghiệp thì phải thực hiện nghĩa vụ này.
Ông Báo nhấn mạnh, với chính sách thuế như trên, các nông hộ mặc nhiên không muốn chuyển đổi phát triển thành doanh nghiệp, chưa kể đến việc các hộ cũng không bị áp dụng quy định khác về thuế, kế toán, lao động, bảo hiểm xã hội...
[Làm gì để hút các dòng vốn có xu hướng dịch chuyển ra ngoài lãnh thổ]
Chính sách còn nằm trên giấy
Nghị quyết Trung ương 5 về Kinh tế tư nhân đã xác định nhiệm vụ và giải pháp với những chính sách khuyến khích sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng chủ yếu dựa vào doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao…. Theo đó, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, chú trọng vấn đề làm thị trường và ổn định thị trường nông sản, hoàn thiện pháp luật về đất đai và tài nguyên môi trường để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đất đai minh bạch, thuận lợi, có thể chuyển nhượng, thế chấp như tài sản để các tổ chức, cá nhân được thuê/giao lâu dài với quy mô phù hợp nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên ông Báo khẳng định, nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa thiết thực, chưa kể là thiếu tính ổn định, độ hấp dẫn cũng như an toàn, bền vững của chính sách không cao. Các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận những cơ hội ưu đãi là hết sức khó khăn, do các quy trình thủ tục rườm rà phức tạp, tốn nhiều thời gian...
Đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I kiến nghị, chính sách Nhà nước cần giảm bớt những gò bó về thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí nhân lực, vật lực của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải cụ thể, rõ ràng và minh bạch với tất cả mọi thành phần kinh tế.
Xóa bỏ hạn điền
Tại Diễn đàn, đại diện nhóm công tác đã mạnh dạn đưa ra đề xuất xây dựng chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp, trong đó có kiến nghị xóa bỏ hạn điền, tạo cơ chế tập trung, tích tụ đất linh hoạt.
Ngoài ra, các chính sách thuế cần phải có bình đẳng giữa các chủ thể trong nông nghiệp. Các cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét bãi bỏ thuế xuất khẩu hàng nông sản, thuế nhập khẩu công nghệ ứng dụng cho nông nghiệp, đánh thuế 1 lần với người góp vốn trong doanh nghiệp nông nghiệp…
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Công ty Nam Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao miền Nam, cho rằng Chính phủ nên ban hành Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Nông nghiệp.
Một điểm nhấn khác, các doanh nghiệp nông nghiệp đề xuất chung, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cần phải thực hiện các đề án chủ trì đánh giá khả năng hình thành các vùng canh tác, chế biến, sản xuất chuẩn trong nông nghiệp, làm cơ sở xây dựng các chính sách thị trường đồng thời quy hoạch lại các vùng chuyên canh, vùng nông nghiệp để quản lý, phát triển theo quy hoạch.
Khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ sớm trình Quốc hội sửa chữa một số điểm trong Luật đất đai hiện hành, theo hướng “sửa hạn điền song không sửa những vấn đề bản chất của Luật Đất đai. Trên thực tế, các tỉnh như Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng …đã và đang thực hiện thành công việc mở rộng hạn điền đồng thời bảo đảm quyền lợi của người nông dân."
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ra cả nước, trên cơ sở nghiên cứu đầu ra một cách căn cơ, tránh không còn tình trạng được mùa mất giá hay “công cuộc” phải "giải cứu" các mặt hàng thịt lợn, hay dưa hấu như từng xảy ra. /.