“CODA” – Khơi lại cảm hứng xem phim chiếu rạp cho người khiếm thính

“CODA” bắt đầu được công chiếu tại các rạp phim và trong các khung giờ truyền hình ở Anh và Mỹ, với phụ đề mở và không cần thiết bị trợ giúp đặc biệt cho người xem khiếm thính.
“CODA” – Khơi lại cảm hứng xem phim chiếu rạp cho người khiếm thính ảnh 1Một cảnh trong phim CODA. (Nguồn:Reuters)

Với những người không may bị mất thính giác hoặc có vấn đề về thính giác, việc đến rạp xem phim dường như không có gì hấp dẫn. Các rạp thường không mấy khi chiếu phim với các dòng phụ đề dễ đọc và cũng không thực sự chuyên tâm cung cấp các loại kính hoặc thiết bị chuyên dụng hỗ trợ người khiếm thính hoặc nếu có sẵn thì những thiết bị này cũng thường không hoạt động.

Tuy nhiên, những định kiến này có thể sẽ thay đổi từ ngày 13/8 tới khi phim “CODA” bắt đầu được công chiếu tại các rạp phim và trong các khung giờ truyền hình ở Anh và Mỹ, với phụ đề mở và không cần thiết bị trợ giúp đặc biệt cho người xem khiếm thính.

Tựa đề phim “CODA” là chữ viết tắt của cụm từ “Child of deaf adults” (tạm dịch: Đứa con nhà khiếm thính), đã giành được 4 giải thưởng tại liên hoan phim Sudance diễn ra đầu năm nay. Phim được xây dựng dựa theo câu chuyện về cô nữ sinh trung học Ruby, người duy nhất còn thính giác trong một gia đình gồm cha, mẹ và anh trai đều không may bị khiếm thính, luôn giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Vì vậy, cô bé cũng là người phiên dịch cho cả gia đình, một hộ kinh doanh đánh bắt cá nhỏ lẻ, trong mọi tình huống. Đặc biệt, cả 3 thành viên còn lại trong gia đình đều do các diễn viên khiếm thính đảm nhận diễn xuất.

Không chỉ được công chiếu trên các rạp ở Anh và Mỹ, phim sẽ được truyền phát trực tuyến với phụ đề đầy đủ được dịch sang 36 thứ tiếng trên nền tảng Apple TV+ từ ngày 13/8 tới. Apple đã làm việc với các đơn vị chiếu phim để đảm bảo phim sẽ được chiếu ở mọi nơi, cho mọi khán giả với các dòng phụ đề được chèn ở chính giữa mép dưới màn hình theo dạng chữ in dễ đọc hơn. Đây cũng được cho là lần đầu tiên một bộ phim chiếu rạp được chèn phụ đề theo dạng thức này.

Nữ diễn viên Marlee Matlin, trong vai người mẹ khiếm thính, chia sẻ bộ phim chính là một “đột phá” trong những nỗ lực hỗ trợ cộng đồng người khiếm thính và những người có vấn đề về thính giác. Sự tham gia của Matlin trong bộ phim cũng là một dấu ấn tuyệt vời bởi cô chính là diễn viên khiếm thính đầu tiên từng đạt tượng vàng Oscar danh giá dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn trong phim "Children of a Lesser God" vào năm 1987.

[Điện ảnh Bắc Mỹ “phiêu” cùng chuyến thám hiểm rừng xanh]

Daniel Durant, nam diễn viên khiếm thính vào vai cậu con trai Leon trong “CODA”, gọi đây là thời khắc lịch sử, có ý nghĩa to lớn mà cộng đồng người khiếm thính đã chờ đợi nhiều năm. Durant khẳng định “CAODA” là bộ phim hấp dẫn mọi khán giả, không chỉ riêng cộng đồng người khiếm thính.

Bất kể ai khi xem phim đều sẽ cảm thấy sự kết nối với bộ phim bởi vì những tình huống xảy ra gia đình Ruby cũng giống mọi gia đình khác, là những vấn đề không của riêng ai như việc nuôi dạy con cái, định hướng tương lai, giúp con trở nên độc lập hơn hay những khi bố mẹ phải làm quen với cảm giác con cái dần rời xa tổ ấm để xây dựng cuộc sống riêng.

Đáng chú ý, trước khi bắt tay vào làm phim, nhà viết kịch bản kiêm đạo diễn Sian Heder, một người không có vấn đề về thính giác, đã học ngôn ngữ ký hiệu với mong muốn dự án sẽ phản ánh những điều chân thực nhất, chạm được vào tâm lý của mọi khán giả. Chia sẻ về điều thôi thúc mình thực hiện dự án, bà Heder cho biết bản thân bà nhiều khi cảm thấy không thoải mái với thực trạng rằng người khiếm thính thường không được hỗ trợ tốt để có thể đến rạp chiếu phim và trải nghiệm những giây phút giải trí thông thường.

Trong một trải nghiệm gần nhất, Herder có cơ hội được trò chuyện với một người khiếm thính trong một buổi công chiếu phim ở Gloucester, Masachusetts. Ấn tượng trong bà sau cuộc trò chuyện là phản ứng đầy cảm xúc từ người đàn ông đã từ chối tới rạp xem phim suốt 10 năm qua vì quá nhiều lần thất vọng với những thiết bị hỗ trợ người khiếm thính “có cũng như không” tại các rạp. Và vẫn người đàn ông đó, sau buổi chiếu phim, lại trở nên cực kỳ tích cực và vui vẻ.

Các nhà làm phim hy vọng từ “CODA” việc trình chiếu phim với phụ đề mở và in đậm trên màn hình sẽ thôi thúc các xưởng phim khác cùng tham gia để có những dự án tương tự, khuyến khích cộng đồng người khiếm thính tìm lại cảm giác hứng thú với những thước phim chiếu rạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục