Cổ vật quý hiếm Việt Nam đến với công chúng Mỹ

Hơn 100 cổ vật quý hiếm của 10 viện bảo tàng lớn nhất sẽ giới thiệu cho người Mỹ về lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ngày 1/2, triển lãm “Nghệ thuật cổ đại Việt Nam: Từ đồng bằng ra biển lớn” đã được khai mạc tại trụ sở của Hội châu Á ở New York, Mỹ.

Hơn 100 hiện vật cổ, có niên đại từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên tới thế kỷ 17, thuộc 10 viện bảo tàng lớn nhất Việt Nam, đã được trưng bày trang trọng tại Khu triển lãm của Hội châu Á.  

Đây là hoạt động tiếp theo, sau đợt triển lãm hiện vật cổ Việt Nam tại Bảo tàng nghệ thuật Houston ở bang Texas, từ ngày 13/9/2009 đến 3/1/201.

Triển lãm được chia thành bốn khu, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật thuộc bốn giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển của văn hóa Việt Nam.

Khu thứ nhất giới thiệu những hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn-Sa Huỳnh, từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên tới thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Đây được coi là “kỷ nguyên vàng” đầu tiên của Việt Nam với hai nền văn minh Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam và Sa Huỳnh ở miền Trung. Nổi bật trong khu trưng bày này là trống đồng, chuông đồng, đồ trang sức bằng đồng và công cụ bằng đồng của văn hóa Đông Sơn và những chiếc bình lớn, đồ trang sức, vũ khí, đồ tùy táng của người Sa Huỳnh.

Khu thứ hai giới thiệu những hiện vật thuộc nền văn minh đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, còn được biết tới với cái tên văn minh Phù Nam, với những hiện vật của nền văn hóa Óc Eo, một thành phố vào loại sầm uất trên tuyến giao thương cổ giữa phương Đông và phương Tây. Khu thứ ba giới thiệu nghệ thuật Chămpa, từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 15, với nhiều tác phẩm điêu khắc, đồ sứ và đồ kim loại của người Chăm. Khu thứ tư trưng bày đồ sứ và giới thiệu hoạt động buôn bán và trao đổi của Phố cổ Hội An, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.

Trong thời gian diễn ra triển lãm, kéo dài từ ngày 2/2 đến 2/5/2010, Hội Châu Á sẽ tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu về nghệ thuật, văn hóa và xã hội Việt Nam, đồng thời giới thiệu về những bước phát triển lớn trong quan hệ Việt Nam-Mỹ.

Phát biểu khai mạc triển lãm, bà Melissa Chiu, Giám đốc bảo tàng của Hội châu Á, cho biết khi nói tới Việt Nam hầu hết người Mỹ thường chỉ nghĩ tới cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Vì thế cuộc triển lãm này sẽ góp phần giới thiệu cho người Mỹ biết tới một khía cạnh khác của Việt Nam, đó là lịch sử văn hóa lâu dài của các dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử phát triển lâu dài của mình, Việt Nam là một đầu mối trên tuyến giao thương giữa châu Á với phương Tây và những hiện vật trong triển lãm lần này thể hiện phần nào lịch sử phát triển thương mại và trao đổi văn hóa phong phú giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài.

Bà Vishakha Desai, Chủ tịch Hội châu Á Niu Yoóc, cho biết Hội châu Á đã đi tiên phong trong nỗ lực giới thiệu văn hóa Việt Nam tới công chúng Mỹ. Bà cùng nhiều quan chức khác của hội đã tới Việt Nam từ trước khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ để tìm hiểu khả năng tổ chức các cuộc triển lãm và sau nhiều năm triển lãm đã được tổ chức, đánh dấu một bước phát triển nữa trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ.

Tiến sỹ Nancy Tingley, người đã dành nhiều năm nghiên cứu và tổ chức cuộc triển lãm này, đã giới thiệu chi tiết những hiện vật trưng bày tại triển lãm với khách tham quan.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Vũ Quốc Hiền, Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam cho biết những hiện vật trưng bày tại triển lãm đã thể hiện rõ quá trình hội nhập của văn hóa Việt Nam với thế giới, vì các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo đều là những giai đoạn tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài. Ông cho biết Việt Nam đã từng tổ chức các cuộc triển lãm tương tự tại nhiều bảo tàng lớn trên thế giới và những cuộc triển lãm này đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh và “thương hiệu Việt Nam” ra thế giới.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh những hiện vật trưng bày tại triển lãm lần này không chỉ đơn thuần là cổ vật hiếm, mà nó còn mang trong đó “Hồn Việt” và niềm tự hào của văn hóa Việt Nam.

Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng bản thân tên gọi của cuộc triển lãm đã thể hiện quá trình phát triển “từ đồng bằng ra biển lớn” của văn hóa Việt Nam. Điều có ý nghĩa là cuộc triển lãm này được tổ chức ngay sau khi Việt Nam vừa kết thúc nhiệm kỳ hai năm là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hiện là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), những dấu mốc quan trọng khác trong quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam với thế giới.  

Theo Đại sứ, những hiện vật trưng bày tại triển lãm lần này cũng không chỉ thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam, mà còn cho thấy khả năng tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới của các dân tộc Việt Nam. Vuộc triển lãm này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết và quan hệ giữa hai dân tộc và hai nước Việt Nam và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục