Ngày 6/8, cố vấn thương mại Peter Navarro cho rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên cắt giảm mạnh lãi suất cơ bản để phù hợp với các nền kinh tế khác.
Trả lời phỏng vấn kênh Fox News, cố vấn Navarro cho rằng lộ trình tăng lãi suất của Fed hồi năm ngoái là quá nhanh trong khi mức cắt giảm lãi suất hồi tuần trước chỉ dừng ở mức 0,25%.
Quan chức này nhấn mạnh đến cuối năm nay, Fed phải hạ lãi suất ít nhất thêm 0,75% hoặc 1% nhằm đưa tỷ lệ lãi suất của nước này ngang bằng với các nước khác trên thế giới.
Cố vấn Navarro chỉ rõ còn tồn tại khoảng cách lớn giữa lãi suất cơ bản của Mỹ và của các nước, và điều này gây tổn hại tới sức mạnh của nền kinh tế số một thế giới.
Mặc dù tin tưởng vào sự bền vững của kinh tế Mỹ, song vị cố vấn trên nhận định với 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm ngoái, Fed đã "đi quá xa và quá nhanh," do đó điều này đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Theo phân tích của cố vấn Navarro, người vốn có quan điểm cứng rắn trong vấn đề thương mại với Trung Quốc, việc tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD mạnh lên, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Mỹ.
[Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ]
Trong khi đó, Bắc Kinh đã có biện pháp đáp trả chính sách thuế của Mỹ và có hành động thao túng tiền tệ bằng cách can thiệp vào thị trường hối đoái.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định tỷ giá hối đoái thấp là phản ứng thông thường trước những tác động tiêu cực nhằm vào một nền kinh tế hay hoạt động xuất khẩu của nước đó.
Điều này có thể lý giải một phần cho việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tụt dốc.
Ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh nới lỏng biên độ giao dịch đồng nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã để đồng nhân dân tệ lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phá ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD./.