Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 19/4, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/4/2018.
Cùng đi với bà Aung San Suu Kyi có: Ông Thant Sin Maung, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông; ông Kyaw Tin, Bộ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế; ông Min Thu, Thứ trưởng Bộ Văn phòng Tổng thống; ông Sett Aung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Tài chính.
Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar, sinh ngày 19/6/1945, tại Rangoon, Myanmar; trình độ Thạc sỹ Văn chương.
Năm 1948-1957, bà Aung San Suu Kyi học tại Tu viện St.Francis, Rangoon, Myanmar; năm 1957-1960, học Trường Trung học Methodist English, Rangoon, Myanmar; năm 1960-1961, học tại Tu viện Jesus and Mary, New Delhi, Ấn Độ; năm 1961-1964, học Cao đẳng Lady Shri Ram, New Delhi, Ấn Độ; năm 1964-1967, học Cao đẳng St. Hugh’s, Oxford, Vương quốc Anh; năm 1985, học Trường Nghiên cứu Oriental and Afrian, London, Anh.
Quá trình công tác; Năm 1968, bà Aung San Suu Kyi là Trợ lý Nghiên cứu, Trường Nghiên cứu Oriental and African, London, Anh; năm 1969-1972, Thành viên Ban Thư ký Liên hợp quốc, New York; năm 1972-1972, bà là Chuyên viên nghiên cứu, Bộ Ngoại giao, Bhutan.
Năm 1985-1986, bà là học giả, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto; năm 1986-1987, học giả, Viện Nghiên cứu Cao cấp Ấn Độ, Simla.
Năm 1988, bà Aung San Suu Kyi là đồng sáng lập Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD); năm 1988-2011,Tổng Thư ký Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.
Từ năm 2012 đến nay, bà Aung San Suu Kyi là Chủ tịch Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Tháng 3/2016 đến nay, bà Aung San Suu Kyi là Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống. Tháng 4/2016 đến nay, bà Aung San Suu Kyi là Cố vấn Nhà nước.
Chuyến thăm chính thức của Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi tới Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, du lịch, chế biến thủy hải sản, hợp tác quốc phòng-an ninh, hợp tác tài chính, viễn thông…, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar./.