Chưa nói cụ thể kết quả kiểm toán các trạm BOT nhưng lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho hay, có trạm BOT được Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm thu phí.
Nêu thông tin này trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sáng 23/8 tại Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, trong 7 tháng năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời cơ chế quản lý các dự án BOT.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, sau kiểm toán, thời gian thu phí của 4 trạm BOT được đề nghị rút ngắn khoảng 5 năm trở lên.
"Có trạm BOT thời gian thu phí 24 năm, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm, phải thu phí 13 năm thôi," ông Hồ Đức Phớc nói.
Nói chung về công tác kiểm toán, ông Hồ Đức Phớc cho hay, tính tới 15/8, cơ quan chức năng đã triển khai 161/223 đoàn kiểm toán. Tổng hợp sơ bộ kết quả từ 79 báo cáo kiểm toán đã phát hành và trình xét duyệt cho thấy, số kiến nghị xử lý tài chính là 7.240 tỷ đồng. Cụ thể, phía Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu 1.137 tỷ đồng, giảm chi 2.093 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 4.010 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, đối tượng kiểm toán theo Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 đã mở rộng là tài chính công, tài sản công.
Bởi vậy, trong kế hoạch năm 2017, phía cơ quan chức năng sẽ mở rộng kiểm toán trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Cụ thể với riêng đất đai, lãnh đạo ngành kiểm toán cho hay sẽ có 1 số chuyên đề kiểm toán sử dụng đất đai tại khu kinh tế Chu Lai, kiểm toán việc xây dựng nhà tái định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, kiểm toán đất đai nông lâm trường Tây Nguyên,...
Kế hoạch này theo ông Phớc nhắm bịt lỗ hổng trong chính sách và uốn nắn sai phạm có thể xảy ra.
Ngoài ra, kế hoạch của ngành kiểm toán theo ông cũng sẽ nhắm tới những dự án BOT và các dự án vay vốn ODA. Ông khẳng định, Kiểm toán Nhà nước sẽ chọn 5 công trình vay vốn ODA có tình trạng đội vốn kéo dài để thực hiện kiểm toán trong thời gian tới.
Góp ý thêm, ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước và cơ quan chức năng cùng xây dựng rõ bức tranh nợ xấu hiện tại.
"Nợ xấu hiện không còn là vấn đề của ngân hàng mà của cả nền kinh tế. Trong điều kiện ta phải tăng trưởng cao thì nợ xấu phải giải quyết," đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói.
Với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ông bày tỏ quan ngại về vấn đề nợ công. Theo ông, tới cuối năm 2015, nợ công đã lên hơn 62% GDP trong khi nhiều ý kiến cho rằng năm 2017-2018 mới là đỉnh nợ.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ, nợ công không chỉ là câu chuyện tỷ lệ so với GDP mà còn liên quan tới khả năng trả nợ. Nếu tính cả gốc, lãi, ông cho rằng, nghĩa vụ trả nợ hiện đã vượt 25% tổng thu, đồng nghĩa đã vượt ra khỏi "ranh giới đỏ."
Ngoài ra, hiệu quả đồng vốn đầu tư cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu lên bởi theo ông, nhiều dự án đầu tư "không sinh ra 1 xu nào lợi tức, thậm chí còn mất đi."
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc phải công khai minh bạch kết quả kiểm toán. Theo ông, việc chuyển các kết quả kiến nghị sang cơ quan điều tra chưa chắc đã khiến các đơn vị "sợ" bằng việc công khai để người dân cùng biết./.