Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, 5.900 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Hai có số vốn đăng ký là 96.300 tỷ đồng và giảm 41,5% về số lượng và giảm 36,3% về số vốn so với tháng Một. Ngoài ra, 1.747 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động nhưng đã giảm 79,4% so với tháng trước.
[Hơn 1.000 tỷ đồng xây nhà xưởng phụ trợ công nghệ cao tại Đà Nẵng]
Lý do có sự giảm sút ở trên được nhóm thực hiện báo cáo nêu ra, là bởi đây là thời điểm có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Bên cạnh những cái nhìn lạc quan về cơ hội kinh doanh, số lượng doanh nghiệp bị đào thải hoặc đứng trước nguy cơ đóng cửa thậm chí còn lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới.
Cụ thể, trong tổng số 5.917 doanh nghiệp gặp “khó” có 2.823 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 1.740 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và 1.354 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Như vậy sau 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 15.979 doanh nghiệp thành lập mới và 10.191 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Theo đó, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 164.000 người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo lĩnh vực hoạt động, các doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 37,5%, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 13% và xây dựng chiếm 12,5%.
Ở động thái ngược lại, nền kinh tế đã phải chứng kiến 13.519 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 13.692 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, 7.843 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018, loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động) và 3.156 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể./.