Có thể triển khai ngay xe buýt nhanh tại TP.HCM

Hệ thống xe buýt nhanh (đi làn đường riêng) hoàn toàn có thể triển khai tại TP.HCM, vừa tăng lượng người đi xe vừa tiết kiệm nhiên liệu.
Một cuộc hội thảo về nghiên cứu triển khai hệ thống xe buýt nhanh (làn đường riêng cho xe buýt - BRT) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được tổ chức ngày 7/10.

Hội thảo do Trung tâm Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp với Phân viện Khí tượng thủy văn Nam Bộ, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia về giao thông đô thị của Việt Nam và Hàn Quốc đã báo cáo sơ bộ về quá trình nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng giao thông đô thị hiện nay cũng như giới thiệu các giải pháp triển khai xây dựng hệ thống BRT trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lê Đức Hành, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết ý tưởng phát triển BRT đang trở nên thông dụng với chi phí thấp và hiệu quả cao được nhiều quốc gia sử dụng.

Hệ thống BRT góp phần tăng lượng người đi xe buýt, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu tiêu hao cho giao thông trên đầu người cũng như giảm ô nhiễm và phát thải khí nhà kính.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, BRT có nhiều lợi thế trong việc phát triển giao thông công cộng, góp phần đáng kể trong việc giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, khối lượng vận chuyển lớn, đồng thời thích hợp phát triển cả ở các cự ly ngắn, trung bình và dài.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, khi lựa chọn phương án triển khai BRT cũng cần phải có những lựa chọn phù hợp với thực tế, cân nhắc về điều kiện đường xá, chức năng quy hoạch tàu điện ngầm, công tác vận hành xe buýt và bố trí các trang thiết bị phục vụ BRT trên địa bàn thành phố.

Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh có thể triển khai thí điểm tuyến BRT trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh thuộc quận Bình Thạnh.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc nghiên cứu và triển khai thực hiện xây dựng các tuyến BRT là xu hướng phù hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và có thể triển khai ngay vì chi phí đầu tư rẻ, không phải giải tỏa nhiều…

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang thực hiện chủ trương giảm xe máy lưu thông ở các thành phố lớn, việc đưa các tuyến BRT vào hoạt động góp phần hạn chế xe máy trên các tuyến đường do các tuyến BRT có khối lượng vận chuyển lớn hơn so với xe buýt thường từ 2-3 lần.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, khi triển khai thực hiện hệ thống BRT, Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải tính đến các dự án xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, monorail đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục