Để thực hiện mục tiêu đưa bảo hiểm xã hội vào khu vực lao động phi chính thức, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động tiền đóng bảo hiểm xã tự nguyện. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo nên những sự thay đổi tích cực trong việc thu hút người lao động trong khu vực nông nghiệp, lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hỗ trợ tới 50% tiền đóng bảo hiểm xã hội
Anh Nguyễn Văn Nam (Quê Mê Linh,Hà Nội) làm công nhân xây dựng đã bảy năm, thu nhập trung bình mỗi ngày công được khoảng 300.000 đồng/ngày. Anh Nam có biết đến việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng vì còn phải nuôi 2 đứa con nhỏ nên anh Nam không mấy mặn mà với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Anh Nam tâm sự: “Nếu được hỗ trợ có thể tôi sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tôi cũng muốn khi về già có lương hưu không phải phụ thuộc vào con cái nhưng hiện nay còn gánh nặng nuôi con, làm nhà nên chưa thể nghĩ đến việc tham gia bảo hiểm xã hội.”
Tâm lý nếu được hỗ trợ thì mới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dường như là tâm lý chung của rất nhiều lao động tự do. Do công việc mùa vụ không ổn định, tuổi lao động cũng là thời điểm phải lo toan cho gia đình, con cái nên bỏ ra một khoản tiền đóng để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là điều mà nhiều người lao động không hề nghĩ đến.
Tuy nhiên, với phương án hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến thì mức hỗ trợ từ 30-50% tiền đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng linh hoạt cho 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng có thể sẽ gia tăng số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc chỉ hỗ trợ cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Về thời gian hỗ trợ và mức hỗ trợ, Bộ cũng đưa ra hai phương án: Hỗ trợ 10 năm đầu tham gia bảo hiểm xã hôi tự nguyện (5 năm đầu là 50% mức đóng tối thiểu, 5 năm tiếp theo là 30%) hoặc hỗ trợ 30% mức đóng tối thiểu toàn bộ thời gian.
Chính sách mở rộng đối tượng
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dự báo năm 2020, lực lượng lao động có khoảng 60 triệu người. Như vậy, mục tiêu hướng tới năm 2020, độ bao phủ 50% số người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ là 30 triệu người. Với quỹ thời gian còn 6 năm, để đạt được mục tiêu này thì mỗi năm cần mở rộng thêm trên 2,6 triệu người tham gia bảo hiểm mà chủ yếu sẽ phải tập trung mở rộng quy mô số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, thực trạng triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2008 đến nay cho thấy số người tham gia vẫn còn thấp, tính đến hết năm 2014, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ đạt 196.254 người, chỉ chiếm 0,45% so với số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng bình quân năm giai đoạn 2010- 2014 chỉ đạt 39,4%.
“Trong số hơn 190.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có tới 70% là nhóm đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn ít thời gian hưởng lương hưu thì tham gia tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, còn thực sự lao động nông dân, người tự tạo việc làm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lại rất ít,” bà Trần Thị Thúy Nga nhấn mạnh.
Như vậy, chính sách hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần này nhằm hướng đến lao động tại khu vực nông thôn, lao động tự do để khuyến khích nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định “Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”. Tuy nhiên, do việc thực hiện chính sách này phụ thuộc vào điều kiện và khả năng của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ nên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra 2 phương án hỗ trợ để lấy ý kiến rộng rãi từ nay đến hết ngày 26/7.
Bên cạnh việc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bà Trần Thị Thúy Nga cho biết thêm, trong lần sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các chính sách cũng đã tập trung nhiều nội dung nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như: Bỏ khống chế tuổi trần lao động không được tham gia, mức đóng thấp nhất cũng giảm từ 22% của tiền lương cơ sở xuống còn 22% của chuẩn nghèo để phù hợp với lao động thu nhập thấp, phương thức đóng linh hoạt hơn trước đây theo tháng hoặc quý đã mở rộng ra đóng một năm một lần hoặc một lần cho nhiều năm..../.
Tính đến cuối năm 2014, cả nước có 11,37 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 196.254 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và trên 9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp”.