Ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt chết liên quan đến thuốc lá, nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Dù biết thuốc lá độc hại nhưng vì sao không thể cấm hoàn toàn?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong một thử nghiệm tiến hành với 400 điếu thuốc đã cho thấy tác hại khủng khiếp của khói thuốc lá đến lá phổi của con người. Trung bình, mỗi điếu thuốc có chứa 18mg nhựa (tar, hay còn gọi là hắc ín).
Khi đốt hết 150 điếu thuốc, màu nước trong bình (tượng trưng cho lá phổi con người) đã chuyển từ màu trắng trong sang màu vàng như nước chè pha loãng. Khi đốt đến điếu thứ 380, nước đã chuyển thành màu đen đặc như càphê do thấm nhựa và sau 400 điếu, nước đen kịt như nước cống. Sau khi tiến hành đun chỗ nước này lên, bốc hơi nước hết, các nhà khoa thu lại được 7,2g chất nhựa, rất dính và đắng.
Dù biết rằng khói thuốc lá độc hại nhưng vì sao vẫn có hàng triệu người trên thế giới vẫn tiếp tục lựa chọn hút thuốc thay vì loại bỏ sản phẩm độc hại này khỏi cuộc sống?
Lý giải điều này, Giáo sư Panos E.Vardas, nguyên Trưởng khoa Tim mạch của Bệnh viện Đại học Heraklion Hy Lạp và là Chủ tịch Hiệp hội các bác sỹ chuyên khoa tim mạch châu Âu, nhận định một số người sẽ có cách sống khác biệt, chú tâm vào việc khám phá giới hạn bản thân.
Vì thế hầu hết trong số họ vẫn cần một số loại “chất kích thích” như càphê, rượu, thuốc lá, chất adrenalin hay thậm chí là hành vi ngoại tình. Bên cạnh đó, tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, bế tắc trong cuộc sống, áp lực công việc cũng là một cách để con người tìm đến các chất kích thích như thuốc lá để giảm căng thẳng khi phải đối diện với thực tại.
Vì lẽ đó mà nhiều thế kỷ nay, dù các tổ chức y tế thế giới đã rất nỗ lực kiểm soát tình trạng sử dụng thuốc lá nhưng kết quả dường như vẫn còn xa mục tiêu đề ra.
[Nhờ mô hình thuốc lá không khói thuốc, tỷ lệ phơi nhiễm giảm 3-13%]
Vì vậy giảm thiểu tác hại được xem là sự phát triển tất yếu của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm cân bằng yêu cầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nhu cầu sử dụng nicotin của người dùng hợp pháp.
Các sản phẩm thuốc lá giảm thiểu tác hại hay còn gọi là thuốc lá thế hệ mới, được biết đến nhiều nhất là thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và thuốc lá ngậm snus. Mặc dù mỗi loại sản phẩm có cơ chế hoặc động riêng biệt, các loại thuốc lá giảm thiểu tác hại này đều có điểm chung là áp dụng công nghệ để loại bỏ quá trình đốt cháy, nên không tạo khói hoặc tàn thuốc.
Tháng Bảy vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ - cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về việc kiểm định, cấp phép lưu hành đối với dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm… tại Mỹ đã cho phép một loại thuốc lá làm nóng được công bố giúp giảm thiểu phơi nhiễm đáng kể với hàm lượng các chất gây hại hoặc có tìềm năng gây hại lên cơ thể người so với thuốc lá điếu đốt cháy.
Tại Việt Nam, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử vẫn chưa được phép thương mại chính thức nhưng hoạt động mua bán bất hợp pháp khá rầm rộ, với thông tin sai lệch so với khuyến cáo của nhà sản xuất hợp pháp.
Chính vì thế, một số ý kiến đề xuất nên cấm nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Nói về vấn đề này, Phó giáo sư-Tiến sỹ Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Hình thức đơn giản nhất và “khỏe” nhất trong quản lý là cấm. Nhưng đây là việc khó khả thi. Cần thực sự tìm hiểu những tác hại cộng đồng và đề ra cách quản lý phù hợp."
Ông Ngọc cho rằng trong y khoa, vẫn có một bộ phận dân số cần được chỉ định sử dụng thuốc lá làm nóng như là một biện pháp giảm thiểu nguy cơ. Đó là những người không thể cai được thuốc lá hoặc đã cai mà tái nghiện.
"Đương nhiên, thuốc lá, dù bất cứ hình thức nào cũng có hại cho sức khỏe người dùng, nên hãy bắt đầu bằng việc cai thuốc. Nếu thất bại với chương trình cai thuốc lá mới dùng biện pháp “giảm thiểu tác hại,” ông Ngọc lý giải.
Các chuyên gia trên thế giới cũng nhận định lệnh cấm không có nghĩa làm cho sản phẩm biến mất hoàn toàn mà chỉ làm cho những sản phẩm này hiện diện thông qua các đường dây phạm pháp, thị trường chợ đen, họ là những người hoàn toàn không quan tâm đến quy định của chính phủ hay lợi ích của người dùng.
Cụ thể hơn ông Clive Bates, Giám đốc công ty tư vấn Counterfactual và là nguyên Giám đốc tổ chức Hành động về Hút thuốc và Sức khỏe ASH (Vương quốc Anh) chia sẻ trong diễn đàn Thuốc lá và Nicotine Toàn cầu (GNTF) vào tháng Chín vừa qua cũng cho rằng việc cấm là hành động không khả thi.
Vì lệnh cấm thuốc lá thế hệ mới về cơ bản chỉ đóng vai trò bảo vệ cho việc kinh doanh độc tôn của thuốc lá điếu. Đồng thời lệnh cấm cũng đem lại lợi thế cho thị trường chợ đen hoạt động ngược lại so với các quy định hợp lý về các mặt hàng mà chúng ta đang nỗ lực cấm.
Đứng ở góc độ luật pháp tại Việt Nam, đề xuất cấm các loại thuốc thế hệ mới mà bản chất là thuốc lá, ví dụ như thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm snus cũng khó khả thi.
Theo luật sư Võ Văn Đông, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn M&K (Thành phố Hồ Chí Minh), khoản 1 điều 2 luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã định nghĩa: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.”
Chính vì thế, nếu cấm thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm snus, thuốc lá điếu cũng phải bị cấm, thậm chí cấm… trước tiên. Nhưng rõ ràng, điều này là khó khả thi.
Do đó, nên chăng các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện khung hành lang pháp lý với các biện pháp quản lý riêng, phù hợp cho từng loại thuốc lá dựa trên mức độ nguy cơ hoặc giảm thiểu tác hại khác nhau của các loại sản phẩm thuốc lá khác nhau./.