Cơ sở vật chất trường học vùng cao: Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'

Sự cố thương tâm xảy đến với cái chết của 4 học sinh là hồi chuông cảnh tỉnh đòi hỏi các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa tới việc rà soát cơ sở vật chất, tăng cường kiên cố hóa tại các trường học.
Hiện trường ba học sinh tử vong vì sập cổng trường ở Lào Cai. (Ảnh: TTXVN)

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mà Lào Cai đã nỗ lực thực hiện đã xây dựng được hệ thống trường, lớp khang trang, sạch đẹp mà nhiều tỉnh, thành phố miền xuôi cũng phải mơ ước.

Quy mô, diện mạo trường, lớp học trên địa bàn tỉnh đã thực sự thay đổi, khởi sắc mạnh mẽ.

Tuy nhiên, một số vụ tai nạn trường học thương tâm tại địa phương này trong những năm gần đây, nhất là ngày đầu năm học 2020-2021 đã đặt ra câu hỏi về việc quan tâm rà soát các hạng mục của các trường học tại những điểm trường hay phân hiệu của những trường học ở vùng cao hẻo lánh.

[Các địa phương cần tổng kiểm tra sau sự cố sập cổng trường ở Lào Cai]

Thực hiện Đề án 06-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2016-2020," chương trình kiên cố hóa trường lớp học của Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Địa phương đã đầu tư trên 1.600 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học ( phòng học kiên cố đạt 73,5%); hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà công vụ giáo viên và nhà ở học sinh bán trú, nhà vệ sinh, nhà ăn, bếp...

100% cơ sở giáo dục đã có nhà lớp học kiên cố tại trường chính; cơ bản đủ phòng học để học 2 buổi/ngày. Môi trường, cảnh quan trường, lớp xanh, sạch, đẹp, văn minh từng bước hiện đại.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Đỗ Minh Tâm, chương trình kiên cố hóa trường lớp học đã làm thay đổi bộ mặt giáo dục vùng cao Lào Cai.

Việc hoàn thiện về cơ sở vật chất đã giúp nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh, các cấp quản lý giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục đào tạo.

Chương trình góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, thực hiện các yêu cầu về đổi mới giáo dục hiện nay.

Đến tháng 9/2020, Lào Cai có 62% trường chuẩn quốc gia (vượt gần 7% so với mục tiêu Đề án).

Ngoài ra, chương trình kiên cố hóa trường lớp học đã góp phần vào việc phát triển mạnh mẽ hệ thống trường nội trú, trường bán trú - hệ thống nòng cốt của giáo dục vùng cao Lào Cai.

Phòng bán trú của học sinh. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Trong giai đoạn 2016-2020, Lào Cai đã nâng cấp 4 trường nội trú còn lại ở các huyện lên cấp Trung học Phổ thông. Như vậy, hiện nay, tất cả các huyện, thị xã của Lào Cai là đều có trường nội trú từ cấp Trung học Cơ sở đến cấp Trung học Phổ thông.

Đặc biệt, chương trình kiên cố hóa trường lớp học giúp cho học sinh vùng được hưởng thụ điều kiện về giáo dục đào tạo tốt hơn, giúp rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, giữa vùng thấp và vùng cao, góp phần nâng cao dân trí các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Tuy vậy, việc kiên cố hóa trường lớp học tại Lào Cai vẫn còn điều phải bàn. Ngày đầu tiên của năm học mới 2020-2021, ba học sinh tiểu học và mầm non ở điểm trường Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đu bám lên cổng trường và bị cổng sập đổ đè tử vong.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tai nạn như vậy. Trước đó, ngày 26/3/2018, tại điểm trường Mã Ngan, Trường Tiểu học số 1, thị trấn Tằng Loỏng huyện Bảo Thắng, 5 học sinh đến lớp sớm học ca chiều. Trong lúc chờ vào lớp học, các em đã đu lên cánh cổng trường chơi đùa khiến cánh cổng xiêu vẹo.

Ba học sinh đã may mắn chạy ra ngoài khu vực nguy hiểm. Hai em do không kịp chạy nên đã bị toàn bộ một bên cổng sắt và cây cột trụ bằng gạch đổ đè lên người. Hậu quả, một em tử vong tại chỗ, một em bị gẫy chân và chảy máu tai.

Hai vụ tai nạn thương tâm trên của học sinh Lào Cai đều xảy ra ở các điểm trường.

Lý do cơ bản nhất để các trường học vùng cao dựng nên các phân hiệu là để cho học sinh vùng sâu vùng xa có điều kiện đến lớp học chữ.

Các phân hiệu này đa số tập trung ở những nơi giao thông kém thuận tiện với học sinh từ mầm non đến lớp 2. Học sinh từ lớp 3 trở lên sẽ được đưa về học tại các trường chính để chuẩn bị cho việc dạy học ngoại ngữ và tin học theo chương trình 10 năm theo Đề án 06 của Tỉnh ủy.

Lào Cai địa phương vùng cao biên giới, địa hình hiểm trở, chia cắt. Do vậy, sau nhiều lần quyết liệt rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đến ngày 18/9, toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.400 điểm trường lẻ.

Theo ông Đỗ Minh Tâm, để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cần phải tập trung nguồn lực, nhất là nguồn lực về đội ngũ, về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị nên đầu tư cơ bản chỉ tập trung ở trường chính. Chính vì thế, việc đầu tư tới điểm trường còn rất nhiều khó khăn và nhiều vấn đề đặt ra.

Sự cố thương tâm xảy đến với cái chết của 4 học sinh chính là hồi chuông cảnh tỉnh đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa tới việc rà soát cơ sở vật chất, tăng cường kiên cố hóa tại các trường học, đặc biệt là các điểm trường ở vùng cao Lào Cai.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có văn bản yêu cầu ngành đào tạo phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất tại tất cả trường học.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và các trường học trên toàn tỉnh, tiến hành kiểm tra, rà soát các hạng mục của các trường học (cổng trường, kè, hàng rào, nhà tạm...) không đảm bảo an toàn.

Sở cần đặc biệt quan tâm đến các hạng mục được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, các hạng mục xây dựng không có hồ sơ thiết kế, không có thẩm định thiết kế; nghiêm cấm việc học sinh đu bám tại cổng trường; có phương án khoanh vùng bảo vệ, hạn chế qua lại đối với các hạng mục có nguy cơ mất an toàn.

Đối với các công trình đã xây dựng, đưa vào sử dụng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Lào Cai có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng, an toàn trong khai thác sử dụng đối với tất cả các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn xã hội hóa trên địa bàn, chỉ cho phép tiếp tục sử dụng đối với các công trình đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn.

Các đơn vị tổ chức gia cố, sửa chữa để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục sử dụng, kiên quyết tháo dỡ các công trình không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn.

Đối với các công trình đang triển khai xây dựng, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hồ sơ thiết kế, đánh giá chất lượng thi công thực tế, có phương án bổ sung thiết kế để đảm bảo chất lượng công trình; tổ chức giám sát thi công và đồng ý nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng khi công trình trình đảm bảo chất lượng, an toàn.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết thêm, Sở đã thành lập 3 đoàn kiểm tra đến cấp huyện để tiến hành rà soát cơ sở vật chất các trường, điểm trường; đồng thời xử lý ngay các hạng mục công trình không đảm bảo an toàn theo đúng chỉ đạo của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục