Ngày 31/5, Cơ quan xếp hạng S&P Global Ratings đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ "AA" xuống còn "AA-", với lý do vị thế ngân sách của nước này suy giảm.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nền kinh tế lớn thứ hai Liên minh châu Âu (EU).
S&P cho biết đã đưa ra quyết định trên do thâm hụt ngân sách của Pháp được dự báo sẽ duy trì trên 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027. S&P nêu rõ thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm 2023, chiếm khoảng 5,5% GDP, cao hơn dự báo trước đó của cơ quan này.
Trong khi đó, nợ công cũng có thể đi ngược dự báo, tăng lên khoảng 112% GDP vào năm 2027, từ mức khoảng 109% vào năm 2023.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire tái khẳng định mục tiêu của chính phủ là cắt giảm thâm hụt công xuống dưới 3% GDP vào năm 2027.
Theo giới phân tích, việc Pháp bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm có thể khiến các nhà đầu tư không còn hứng thú, dẫn tới việc trả nợ của nước này trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, S&P cũng duy trì triển vọng "ổn định" đối với Pháp dựa trên "kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế thực sự sẽ tăng tốc và hỗ trợ củng cố ngân sách của chính phủ", dù không đủ để giảm tỷ lệ nợ trên GDP ở mức cao của nước này./.
Bất chấp Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm, Israel tin triển vọng kinh tế vẫn tốt
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel khẳng định nền tảng và triển vọng của nền kinh tế nước này vẫn tốt sau khi Moody’s đánh tụt hạng tín nhiệm của Israel từ A1 xuống A2 hôm 9/2.