Cơ quan tị nạn Palestine được cam kết viện trợ hàng trăm triệu USD

Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) đã nhận được những cam kết đóng góp với tổng trị giá 118 triệu USD từ các quốc gia hảo tâm.
Cơ quan tị nạn Palestine được cam kết viện trợ hàng trăm triệu USD ảnh 1Một gia đình Palestine sinh hoạt trong điều kiện khó khăn do thiếu điện ở Trại tị nạn Nuseirat, Dải Gaza ngày 11/1. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 27/9, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) đã nhận được những cam kết đóng góp với tổng trị giá 118 triệu USD từ các quốc gia hảo tâm, nhằm giúp cơ quan này vượt qua cuộc khủng hoảng sau khi bị Mỹ cắt viện trợ.

Phát biểu tại một buổi họp báo, người đứng đầu UNRWA Pierre Kraehenbuehl cho biết Liên minh châu Âu (EU) cùng Kuwait, Đức, Ireland và Na Uy là những quốc gia đóng góp nhiều nhất, trong khi Pháp khẳng định sẽ bắt đầu cung cấp viện trợ từ năm 2019.

Các cam kết được đưa ra trong một cuộc họp bên lề Kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ.

[LHQ cảnh báo tình hình tồi tệ ở Gaza sau khi Mỹ cắt viện trợ Palestine]

Ông Kraehenbuehl gọi khoản viện trợ mới là “một bước tiến đáng kể giúp UNRWA vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính lớn và tồi tệ nhất từ trước đến nay."

Theo ông Krahenbuehl, nhờ các khoản đóng góp, mức thâm hụt ngân sách 2018 của UNRWA sẽ được giảm xuống còn 68 triệu USD.

Hiện UNRWA đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người di cư Palestine tại các quốc gia như Jordan, Liban, Syria và Dải Gaza cũng như khu vực Bờ Tây. Hầu hết đều là thế hệ sau của 700.000 người dân Palestine phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh năm 1948 dẫn tới sự thành lập nhà nước Israel.

Hồi tháng Tám vừa qua, Mỹ tuyên bố chấm dứt tài trợ 350 triệu USD mỗi năm cho cơ quan này. Với vai trò là nhà tài trợ lớn nhất cho UNRWA, động thái trên của Mỹ đã tạo ra cuộc khủng hoảng nguồn tài trợ, đặc biệt là tại khu vực Dải Gaza, nơi hơn 200.000 người Palestine đang theo học các lớp do Liên hợp quốc tổ chức.

Việc Mỹ quyết định cắt giảm viện trợ cho UNRWA không chỉ ảnh hưởng tới nguồn viện trợ trực tiếp cho người Palestine mà còn ảnh hưởng tới công việc của khoảng 13.000 người đang làm việc cho cơ quan này tại Dải Gaza và Bờ Tây.

Cho tới nay, UNRWWA đã buộc phải cắt giảm hơn 250 việc làm và chuyển hàng trăm vị trí làm hành chính thành bán thời gian để tiết kiệm chi phí.

Ngày 27/9, UNRWA tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng tại Dải Gaza kể từ ngày 30/9 tới và chưa biết khi nào có thể mở cửa trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục