Cơ quan phát triển vaccine Sputnik V đề nghị EMA xin lỗi

Viện Gamaleya nêu rõ: "Chúng tôi đề nghị một lời xin lỗi công khai từ bà Christa Wirthumer-Hoche của EMA vì đưa ra những bình luận tiêu cực về các quốc gia EU trực tiếp cấp phép sử dụng Sputnik V."
Cơ quan phát triển vaccine Sputnik V đề nghị EMA xin lỗi ảnh 1Vaccine phòng COVID-19 Sputnik V của Nga. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 9/3, Viện Gamaleya, cơ quan phát triển vaccine Sputnik V của Nga, đã yêu cầu Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra lời xin lỗi sau khi bà Christa Wirthumer-Hoche, người đứng đầu ban quản lý cơ quan này, kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không vội vàng cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V và so sánh việc phê chuẩn khẩn cấp này mạo hiểm như "trò cò quay Nga."

Trên mạng xã hội Twitter, Viện Gamaleya nêu rõ: "Chúng tôi đề nghị một lời xin lỗi công khai từ bà Christa Wirthumer-Hoche của EMA vì đưa ra những bình luận tiêu cực về các quốc gia EU trực tiếp cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V."

Theo Viện Gamaleya, những bình luận của bà Christa Wirthumer-Hoche làm dấy lên hoài nghi về khả năng có sự can thiệp chính trị vào tiến trình đánh giá của EMA đối với vaccine này. 

Sau động thái trên của Viện Gamaleya, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi những tuyên bố của bà Wirthumer-Hoche là đáng chỉ trích hay ít nhất là không phù hợp. 

[Chuyên gia y tế hàng đầu Mỹ đánh giá tích cực về vắcxin Sputnik V]

Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: "Không ai hoài nghi rằng đây là một trong những vaccine phổ biến nhất và có lẽ là vaccine được tin tưởng nhất trên thế giới."

Tuần trước, EMA đã bắt đầu tiến hành xem xét vaccine Sputnik V, một bước quan trọng tiến tới cấp phép sử dụng vaccine này. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên không phải do EU sản xuất, được sử dụng trên toàn khối này. 

Hiện 3 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đã cấp phép sử dụng vaccine này mà không chờ EMA phê duyệt sử dụng. 

Nga thông báo sẵn sàng cung cấp vaccine Sputnik V cho 50 triệu người dân châu Âu ngay sau khi vaccine này được thông qua. Đến nay, 46 quốc gia trên thế giới đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V. 

Các kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn cho thấy vaccine này đạt hiệu quả phòng bệnh tới 91,4%. Kết quả thử nghiệm sau đó cũng đã được tạp chí khoa học The Lancet đăng tải, càng củng cố uy tín cho vaccine do Nga phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục