Cơ quan Liên hợp quốc: Toàn bộ dải Gaza giống như một nghĩa địa

Người phát ngôn của Cơ quan Liên hợp quốc về người Palestine (UNRWA) đã đăng tải một video cho thấy quang cảnh tại phía Bắc Gaza như trên Mặt trăng với mặt đất đầy hố bom và những con phố hoang tàn.
Cảnh đổ nát do xung đột tại Rafah, Dải Gaza, ngày 7/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo The Washington Post đưa tin Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "hãy làm những gì phải làm" để "hoàn thành công việc" ở Trung Đông.

Theo các nguồn tin của Israel, ông Trump đã vận động khôi phục "hòa bình" cho khu vực và muốn Israel hoàn thành các mục tiêu quân sự ở cả Gaza và Lebanon trước lễ nhậm chức vào tháng 1 tới.

Nhưng ông Trump, người trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên đã trao nhiều món quà chính trị cho ông Netanyahu, đã không đưa ra bất kỳ kế hoạch rõ ràng nào về cách kết thúc các cuộc chiến.

Hoan nghênh việc ông Trump đắc cử, Israel đã mở rộng các hoạt động quân sự tại Gaza và Lebanon. Israel cũng đang chuẩn bị mở rộng cuộc tấn công trên bộ ở miền Nam Lebanon nhằm loại bỏ sự hiện diện quân sự của Hezbollah tại đây.

Tại Gaza, Israel cũng đang siết chặt hơn các khu vực phía Bắc bị tàn phá nặng nề. Khoảng 100.000 người dân Gaza ở phía Bắc đang cố gắng sống sót mà không được tiếp cận với nguồn thực phẩm, trong khi Israel dường như đang cắt đứt dòng viện trợ nhằm cố gắng tiêu diệt các nhóm nhỏ Hamas vẫn đang hoạt động tại đây.

Điều này đã làm trầm trọng thêm nạn đói, tình trạng suy dinh dưỡng và tỷ lệ tử vong quá mức do suy dinh dưỡng và bệnh tật tại đây.

Người dân nhận thức ăn cứu trợ tại Dải Gaza ngày 4/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Louise Wateridge, người phát ngôn của Cơ quan Liên hợp quốc về người Palestine (UNRWA) đã đăng tải một video về chuyến đi gần đây qua phía Bắc Gaza, cho thấy quang cảnh như trên Mặt trăng với mặt đất đầy hố bom và những con phố hoang tàn.

Bà này cho biết: "Bất kể bạn đi theo hướng nào vào Thành phố Gaza, nhà cửa, bệnh viện, trường học, phòng khám sức khỏe, thánh đường Hồi giáo, căn hộ, cửa hàng - tất cả đều bị san phẳng hoàn toàn. Cả một xã hội giờ đây trở thành nghĩa địa."

Theo số liệu mà Văn phòng nhân quyền của Liên hợp quốc công bố ngày 8/11 về số lượng thương vong tại Gaza kể từ ngày 7/10/2023 - thời điểm Hamas tiến hành cuộc tấn công chết người vào miền Nam Israel, gần 70% người thiệt mạng ở Gaza là phụ nữ và trẻ em, trong đó độ tuổi tử vong nhiều nhất là trẻ em từ 5 đến 9 tuổi.

Khoảng 80% số này đã mất mạng bên trong các tòa nhà, làm dấy lên cáo buộc rằng Israel đã không phân biệt các tay súng với dân thường trong chiến dịch tiêu diệt Hamas.

Tuy nhiên, các quan chức Israel liên tục bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định họ tuân thủ luật pháp quốc tế và số dân thường thương vong là hậu quả của việc Hamas hoạt động trà trộn vào các khu vực dân cư tại Gaza.

Binh sỹ Israel được triển khai tại Rafah, Dải Gaza, ngày 7/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước tình trạng dân thường thương vong và sự phản đối của các tổ chức quốc tế, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gây sức ép, yêu cầu Israel phải sớm cải thiện khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo tại Gaza hoặc phải đối mặt với các hạn chế về viện trợ quân sự của Mỹ.

Israel cho biết họ sẽ mở một cửa khẩu mới ở phía Nam Gaza. Nhưng các tổ chức nhân đạo cảnh báo việc vận chuyển viện trợ đến phía Bắc Gaza thường bị cản trở, do cả hoạt động quân sự của Israel và tình trạng hỗn loạn, cướp bóc tại đây.

Các nhà phân tích nghi ngờ Thủ tướng Netanyahu có thể phản đối việc đồng ý ngừng bắn ở cả Gaza và Lebanon cho đến khi ông Trump nắm quyền, một động thái sẽ mang lại cho tân tổng thống một chiến thắng mang tính biểu tượng.

Trong khi đó, thảm họa ở Gaza đang trở nên tồi tệ hơn. Một số quan chức Israel đã đưa ra quan điểm không cho phép người dân quay trở lại một số khu vực nhất định ở phía Bắc Gaza, củng cố thêm cáo buộc của các nhóm nhân quyền và tổ chức nhân đạo rằng Israel có thể đang tiến hành thanh lọc sắc tộc ở phía Bắc Gaza.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza ngày 5/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau chuyến thăm Gaza vào tuần trước, nhà ngoại giao Na Uy kỳ cựu Jan Egeland, hiện là Chủ tịch Hội đồng Người tị nạn Na Uy, cho biết tình hình ở Gaza “tệ hơn bất kỳ điều gì tôi có thể tưởng tượng với tư cách là một nhân viên cứu trợ lâu năm.”

Ông này chia sẻ: “Một số người đã trải qua nhiều ngày không có thức ăn, không tìm thấy nước uống. Đây là cảnh tượng tuyệt vọng tột cùng.”

Saeed Kilani, một người dân phía Bắc Gaza, chia sẻ họ không thể tìm thấy thức ăn và nước quá mặn đến mức không phù hợp cho động vật hoặc cây cối, nhưng “chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải uống thứ nước đó.”

Người dân này cho biết trong thời gian đầu chiến dịch tấn công của Israel, họ “sống sót bằng cách ăn cỏ, nhưng bây giờ ngay cả cỏ cũng không còn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục