Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ: Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực

Theo Trung tâm băng quốc gia Mỹ, tính đến ngày 22/12, tảng băng A-23A có diện tích khoảng 2.750km2, gấp đôi diện tích thành phố Los Angeles, lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng Nam Cực.

Băng tan từ dải băng Greenland ngày 15/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Băng tan từ dải băng Greenland ngày 15/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.

Theo Trung tâm băng quốc gia Mỹ, tính đến ngày 22/12, tảng băng A-23A có diện tích khoảng 2.750 km2, gấp đôi diện tích thành phố Los Angeles.

Trước đó vào tháng 11/2023, kích thước của nó còn lớn hơn, tương đương với diện tích bang Rhode Island, đạt khoảng 4.400km2.

Tảng băng này có lịch sử đặc biệt khi lần đầu tách ra từ thềm băng Filchner-Ronne gần Bán đảo Nam Cực vào năm 1986.

Ngay sau đó, tảng băng mắc cạn trên đáy biển Weddell trong hơn 30 năm.

Đến năm 2020, có thể do tác động của hiện tượng tan băng, tảng băng mới bắt đầu trôi dạt về phía bắc dọc theo Bán đảo Nam Cực.

Vào mùa hè 2024, A-23A bị mắc kẹt trong một cột Taylor - một dòng chảy xoáy - phía trên một gờ đáy biển gọi là Pirie Bank.

Tiến sỹ Jan Lieser, chuyên gia băng học thuộc Cơ quan khí tượng Nam Cực, nhận định đây là trường hợp hiếm có khi một tảng băng bị mắc kẹt dai dẳng trong một khu vực nhỏ như vậy. Trong thời gian bị giữ chân bởi cột Taylor, A-23A đã thực hiện 15 vòng quay hoàn chỉnh, xoay với tốc độ khoảng 15 độ mỗi ngày.

Kể từ khi thoát khỏi vòng xoáy, tảng băng đã di chuyển được khoảng 240km về phía đông bắc. Nguyên nhân chính xác khiến A-23A thoát khỏi dòng chảy vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà khoa học cho rằng có thể do một biến động ngẫu nhiên trong hệ thống đã tạo ra sự thay đổi nhỏ trong quỹ đạo xoay thông thường, giúp tảng băng tìm được đường thoát.

Tiến sỹ Andrew Meijers, nhà hải dương học thuộc Cục Khảo sát Nam Cực Anh và đồng trưởng dự án OCEAN:ICE, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về hành trình tiếp theo của A-23A, liệu nó có đi theo cùng một lộ trình như những tảng băng lớn khác đã tách ra từ Nam Cực hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Máy tính lượng tử 133 qubit hiện tại của IBM thường được sử dụng cùng với các siêu máy tính để bù đắp cho các lỗi tính toán. (Nguồn: Nikkei Asia)

Israel ra mắt máy tính lượng tử 20 Qu-bit đầu tiên

Chiếc máy tính lượng tử 20 Qu-bit đầu tiên do Israel chế tạo đã chính thức được sử dụng với công nghệ siêu dẫn hiện đại nhất, hứa hẹn sẽ củng cố vị thế khoa học và công nghệ của Israel.

Một mẫu xe Volkswagen. (Nguồn: entrepreneur)

Volkswagen "đặt cược" vào hãng xe điện Rivian

150 nhân viên của công ty con Cariad thuộc Volkswagen sẽ tham gia mô hình đối tác với Rivian – công ty khởi nghiệp của Mỹ được thành lập từ năm 2009 - để phát triển phần mềm.