Cơ quan công tố Paris mở cuộc điều tra ứng cử viên Emmanuel Macron

Cơ quan công tố Paris mở cuộc điều tra với tội danh "thiên vị và đồng lõa," liên quan đến một chuyến công du của ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron, với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế.
Cơ quan công tố Paris mở cuộc điều tra ứng cử viên Emmanuel Macron ảnh 1Ứng cử viên Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Paris, Pháp. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 13/3, Cơ quan công tố Paris mở cuộc điều tra sơ bộ với tội danh "thiên vị và đồng lõa," liên quan đến một chuyến công du của ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron, với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế tại sự kiện Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng được tổ chức tháng 1/2016 tại Las Vegas (Mỹ).

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi Tổng Thanh tra Tài chính của Pháp (IGF) có báo cáo nghi ngờ là có sự "thiên vị" trong việc tổ chức sự kiện "Đêm công nghệ Pháp" (French Tech Night) trong khuôn khổ cuộc triển lãm nói trên.

Trước đó, tuần báo châm biếm Canard Enchaîné số ra ngày 8/3 trích dẫn báo cáo của IGF cho biết việc quyết định tổ chức sự kiện "Đêm công nghệ Pháp" đã được tiến hành một cách vội vàng, theo yêu cầu của Văn phòng Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron. Do vậy, Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Pháp đã dành cho tập đoàn Havas của Mỹ quyền tổ chức sự kiện này thay vì tiến hành đấu thầu "quyền tổ chức" theo thông lệ. Tổng chi phí của sự kiện này lên tới 381.759 euro.

Sau khi bài báo trên được công bố, Bộ trưởng Kinh tế hiện tại là Michel Sapin, cũng chính là người đã yêu cầu IGF báo cáo về vụ việc trên vào tháng 12 năm ngoái, đã cho rằng ứng cử viên Emmanuel Macron "hoàn toàn không liên quan," rằng đây chỉ là một sự cố của Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Pháp. Theo ông, lẽ ra cơ quan cần trao đổi lại là thời gian quá gấp nên không thể tổ chức được sự kiện theo đúng quy định.

Trong một thông cáo, Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Pháp đã thừa nhận "sự bất thường" trong việc lựa chọn công ty Havas làm nhà cung cấp dịch vụ, song cũng giải thích lý do là do các yếu tố khách quan.

Trong khi đó, tối 14/3, phong trào "Tiến bước" của ứng cử viên Emmanuel Macron đã ra thông cáo khẳng định: "Cuộc điều tra không có cơ sở để nhằm vào Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số vào thời điểm đó, cũng như bất kỳ thành viên nào tại Văn phòng Bộ lúc bấy giờ." Giới thân cận với ứng cử viên Macron thì cho rằng vụ việc chỉ liên quan đến Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Pháp.

Về phần mình, Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng "Những người Cộng hòa" (LR), Christian Jacob, đã yêu cầu cơ quan pháp luật "nhanh chóng" lập hồ sơ để tiến hành điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục