Cơ quan công an khẳng định đội tuyển Việt Nam không bán độ

Chia sẻ với báo giới, cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Hồ Sỹ Tiến khẳng định họ đã theo dõi rất kỹ và kết luận các trận đấu của tuyển quốc gia không có tiêu cực.
Cơ quan công an khẳng định đội tuyển Việt Nam không bán độ ảnh 1Cục trưởng Hồ Sỹ Tiến (đứng) khẳng định các trận đấu của đội tuyển quốc gia luôn được kiểm tra đều đặn. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Vụ dàn xếp tỷ số ở Đồng Nai là vụ tiêu cực lớn thứ hai của bóng đá Việt ở mùa giải này. Trước đó, các cầu thủ Vissai Ninh Bình cũng đã cá độ ở đấu trường AFC Cup. Việc tiêu cực liên tục xuất hiện trong bóng đá trên nhiều đấu trường khiến người hâm mộ không khỏi nghi ngờ. Đội tuyển quốc gia, thành lũy cuối cùng của niềm tin, một lần nữa bị đặt vào tầm ngằm.

Ông Hồ Sỹ Tiến khẳng định: “Tất cả các trận của đội tuyển quốc gia, với trách nhiệm của mình, được cục cảnh sát hình sự cũng phối hợp với Liên đoàn, kiểm tra các cầu thủ và thường xuyên cử cán bộ cục cảnh sát hình sự đi theo đội tuyển. Vì thế, chúng ta tin rằng các cầu thủ tuyển quốc gia trong những năm vừa qua đã chơi hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của nước nhà.”

Trước đó ông Tiến tiết lộ C45 đã cùng với VFF điều tra vụ Đồng Nai từ lâu: “Các cầu thủ bị tình nghi lâu rồi. Nhưng chúng ta đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm liên quan tới sự nghiệp của các cầu thủ. Bóng đá cũng là môn 'thể thao vua' được nhân dân quan tâm. Nếu chúng ta bắt không đúng, sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý của các cầu thủ hoặc giải V-League. Vì thế, chúng tôi rất thận trọng, khi đủ điều kiện chín muồi, chúng tôi mới bắt.”

Vụ Đồng Nai cùng với vụ Vissai Ninh Bình trước đó đã gióng lên hồi chuông về một phương pháp đánh bạc mới trong giới cầu thủ: “Trước đây, chúng ta mới chỉ phát hiện vụ việc các đội tự dàn xếp tỷ số với nhau, như hai đội đá với nhau, họ dàn xếp cho đội này thắng hoặc đội kia thua. Nhưng hiện nay, thông qua hai vụ án tại Ninh Bình và chuyên án này, chúng ta phát hiện ra rằng nhóm cầu thủ của các câu lạc bộ có thể tự bán độ không cần thông qua đối phương hoặc thông qua ban lãnh đạo đội.

Phương thức này dẫn tới tình trạng nếu các đội bóng không có giáo dục đạo đức nghề nghiệp với các cầu thủ, chỉ cần một cầu thủ có hành vi tiêu cực, anh ta có thể tự bán tỷ số của các trận. Chúng ta không thể kiểm soát được. Vì thế, vấn đề cơ bản của các cầu thủ phải là có đạo đức nghề nghiệp. Khi chúng ta phát hiện, phải xử lý cả hành chính và hình sự. Tôi cho rằng không thể dung thứ với hành động này được.”

Cục trưởng cũng làm rõ các khái niệm phạm tội với báo giới khi xác nhận đây là tội nhận hối lộ: “Nhóm cầu thủ Đồng Nai do Phạm Hữu Phát đứng đầu bán tỷ số cho đối tượng Thuận. Các cầu thủ Đồng Nai được Phát lôi kéo để đồng ý bán tỷ số như thế. Về mặt luật phát, đây là tội nhận hối lộ.”

Ông Tiến phẫn nộ: “Hành vi tự bán mình, tự bán tỷ số của các cầu thủ chuyên nghiệp là không thể chấp nhận được. Vì ngoài các cầu thủ thi đấu, còn bao nhiêu người bỏ tiền ra mua vé xem trận đấu. Người ta không bỏ tiền để xem một trận đấu gian dối.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục