Facebook vừa phải trải qua một ngày giao dịch tệ nhất kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2012.
Sự kiện này đã làm “lu mờ” cú sốc suy giảm trị giá 91 tỷ USD của Intel hồi tháng 9/2000, đồng thời khiến giới quan sát đặt câu hỏi liệu đây chỉ là một va vấp nhất thời, hay là dấu hiệu mở đầu cho giai đoạn khó khăn sắp tới của “người khổng lồ” về công nghệ?
Phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 19% xuống 176,26 USD/cổ phiếu, qua đó khiến giá trị của “ông lớn” trong ngành công nghệ này bốc hơi khoảng 119 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook cũng phải chứng kiến giá trị tài sản ròng của ông giảm tới 16 tỷ USD.
[Zuckerberg mất 15 tỷ USD, Facebook bay hơi 120 tỷ do cổ phiếu lao dốc]
Sự sụt giảm diễn ra sau lời cảnh báo của Facebook vào cuối ngày thứ Tư 25/7 rằng doanh thu của họ sẽ tăng chậm lại đáng kể ít nhất trong nửa cuối năm 2018 và chi phí hoạt động sẽ tiếp tục tăng vọt.
Câu hỏi lớn được đặt ra là đây có phải là một trở ngại tạm thời, hay là sự khởi đầu một giai đoạn “đau đớn” của trang mạng xã hội khổng lồ này. Và liệu những “người khổng lồ” công nghệ khác có gặp phải sự cố tương tự trong tương lai không?
Theo giới quan sát, việc dự báo tăng trưởng giảm tốc và chi tiêu nhiều hơn đều là hậu quả của những vấn đề do chính Facebook tạo ra.
Quy định chung về bảo mật thông tin (GDPR) của châu Âu được xây dựng do hoạt động khai thác dữ liệu của người dùng một cách không kiểm soát, và chính những quy định này đã bắt đầu cản trở hoạt động kinh doanh quảng cáo của một số công ty.
Trong khi đó, việc gia tăng chi tiêu chủ yếu là để nâng cao khả năng bảo mật và ngăn chặn việc phát tán những tin tức và thông tin tuyên truyền giả mạo trên mạng xã hội. Chính CEO Zuckerberg thậm chí còn nói với các nhà phân tích rằng Facebook đang đầu tư rất nhiều vào vấn đề an ninh, và điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của mạng xã hội này.
Nhìn chung, những “đại gia công nghệ” như Facebook, Apple, Google và Amazon đã chứng kiến sự tăng trưởng vô tiền khoáng hậu về cả doanh thu và giá cổ phiếu trong nhiều năm qua. Dường như những công ty và doanh nghiệp này không thể bị dừng bước, ngay cả khi phải đối mặt với những áp lực về pháp lý, sự không hài lòng của người dùng và những câu hỏi về tác động của họ đối với xã hội. Các công ty công nghệ chiếm sáu trên số 10 công ty và doanh nghiệp lớn nhất có cổ phiếu được đưa vào chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Một số người coi việc bán tháo cổ phiếu Facebook là bằng chứng rõ ràng rằng không điều gì có thể phát triển mãi mãi. Mọi thứ có thể vẫn sẽ xấu đi với Facebook. Những quy định về bảo mật dữ liệu của châu Âu bắt đầu được áp dụng vào ngày 25/5, đồng nghĩa với việc chúng mới chỉ có hiệu lực trong tháng cuối cùng của quý 2/2018. Theo giới chuyên gia, Facebook có thể sẽ phải chịu những tác động mạnh mẽ hơn nữa từ GDPR vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã chỉ ra rằng sự suy giảm trên chỉ đơn thuần đưa giá cổ phiếu của Facebook về lại mức tương đương hồi đầu tháng Năm. Tại thời điểm đó, cổ phiếu của Facebook vẫn đang phục hồi từ bê bối bảo mật dữ liệu người dùng liên quan đến việc một công ty tư vấn chính trị có tham gia vào quá trình tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã tiếp cận trái phép dữ liệu của hàng chục triệu người dùng Facebook.
Đã hơn một năm kể từ khi CEO Zuckerberg công bố một tuyên ngôn dài 5.000 từ cho rằng Facebook cần đưa thế giới trở nên tốt đẹp hơn bằng cách thúc đẩy sự tham gia của người dân và giải quyết các vấn đề xã hội. Nhưng "đại gia" này dường như đang bị giằng xé giữa những giá trị xã hội và mục tiêu kinh tế của họ./.