Cổ phiếu Dệt may thu hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán

Tháng Mười này, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự sụt giảm do ảnh hưởng từ thế giới, song giá giao dịch của các mã cổ phiếu trụ cột trong ngành dệt may có sự điều chỉnh thấp hơn so với VN-Index.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Ngành dệt may đang được hưởng lợi với tăng trưởng số lượng đơn hàng tăng trưởng mạnh từ các thị trường xuất khẩu. Trên thị trường chứng khoán, vốn hóa của nhóm cổ phiếu ngành dệt may đã tăng tới 21% trong tháng Chín,” ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán - SSI cho biết.


Lợi thế nhờ… chênh lệnh thuế suất

Theo ông Linh, việc tăng trưởng về đơn hàng trong ngành dệt may nhờ hai yếu tố. Thứ nhất, cuộc chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, Mỹ đã áp thuế suất 10% đối với nhiều sản phẩm dệt may từ Trung Quốc và điều này khiến nhiều nhà nhập khẩu của Mỹ có xu hướng chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại, như VKFTA (Việt Nam - Hàn Quốc) và sắp tới đây là CPTPP, EVFTA. Các hiệp định này sẽ giúp ngành dệt may được hưởng lợi lớn từ mức thuế suất thấp đồng thời giúp các sản phẩm dệt may có tính cạnh tranh hơn (nếu so sánh với các nhà sản xuất khác tại Trung Quốc).

“Ví như, nguyên liệu sợi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, thuế suất đối với sản phẩm Việt Nam là 0% trong khi sản phẩm Trung Quốc là 8%,” ông Linh nói.

Thận trọng với dòng vốn ngoại vào dệt may

Theo Báo cáo tháng 10/2018 của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trong ngành dệt may Việt Nam, trên 40% kim ngạch xuất khẩu là sang Mỹ và nhập khẩu gần 10 tỷ USD nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Dó đó, tác động từ “cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung” đến ngành này có cả mặt tích cực và rủi ro đan xen.

Như, bên cạnh các cơ hội nâng cao thị phần dệt may vào thị trường Mỹ với lợi thế về giá, các chuyên gia trong ngành cũng bắt đầu quan ngại, với bối cảnh như trên, nhiều doanh nghiệp dệt may Trung Quốc sẽ có xu hướng tìm cách chuyển đầu tư sang Việt Nam. Nhưng cũng chính vì vậy, Mỹ có thể sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu và nguy cơ hàng dệt may của Việt Nam có thể bị áp thuế cao.

Hơn thế nữa, nếu không kiểm soát tốt, những thiết bị và công nghệ lạc hậu đang sản xuất tại Trung Quốc có thể dịch chuyển vào Việt Nam và gây ra những vấn đề môi trường.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cũng tìm cách chuyển sản phẩm hoặc bán thành phẩm sang Việt Nam để hoàn tất với mục tiêu xuất khẩu. Đây chính là nguy cơ hàng dệt may Việt Nam sẽ bị Mỹ áp thuế cao nếu xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào Mỹ tăng đột biến,” Báo cáo này chỉ ra.

Bài toán cơ cấu ngành

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng đã cảnh báo về những tác động thay đổi trong cơ cấu ngành khi cách mạng 4.0 đang dần hiện thực hóa. Thay vào đó, những công việc lặp đi lặp lại không cần kỹ năng, kinh nghiệm, trong môi trường độc hại, dễ gây tai nạn... sẽ được thay thế bằng những máy móc công nghệ mới.

Cuộc cách mạng này một mặt giúp giải quyết những khâu yếu trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam đồng thời nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm... song nó sẽ tạo áp lực với các vấn đề lao động của ngành và có thể khiến nhiều công nhân phải thất nghiệp.

Do đó, bài toán đối với ngành dệt may sẽ không còn là số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng và mức tăng trưởng mà thay vào đó đòi hỏi sự đổi mới về công nghệ và đào tạo nhân sự có trình độ cao trong ngành.

Tuy nhiên sang đến tháng Mười, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự sụt giảm do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, song giá giao dịch của các mã cổ phiếu trụ cột trong ngành dệt may vẫn được nhà đầu tư kỳ vọng và có sự điều chỉnh thấp hơn so với VN-Index.

Như, các mã cổ phiếu GIL (Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh) được giao dịch quanh mức giá 38.000 đồng/cổ phiếu, mã GCM (Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn) giao dịch quanh mức 35.000 đồng/cổ phiếu, TCM (Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công) giao dịch quanh mức 27.000 đồng/cổ phiếu…, giảm lần lượt 3,4%; 3,9% và 2,2% trong khi VN-Index trượt đến 5,8%, kể từ ngày 28/9 đến ngày 19/10.

Về thông tin FTSE Russell chính thức đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi bậc 2 đã giúp tâm lý thị trường giao dịch hào hứng hơn.

Nhưng, ông Linh lại có phần thận trọng và cho rằng, mặc dù thị trường Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 9 yêu cầu của FTSE Russell và cần ít nhất 1 năm xem xét để chính thức đưa vào nhóm thị trường mới nổi, nhưng chặng đường phía trước sẽ không đơn giản./.

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục