Cổ phiếu của Ford và GM giảm khoảng 5% sau khi bị hạ cấp

Trong phiên 25/9, cổ phiếu của 2 nhà sản xuất ôtô Ford Motor và General Motors (Mỹ) đã giảm khoảng 5% sau khi các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley hạ cấp đánh giá.

Biểu tượng hãng ô tô Ford tại trụ sở ở Dearborn, Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng hãng ô tô Ford tại trụ sở ở Dearborn, Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cổ phiếu của hai nhà sản xuất ôtô Ford Motor và General Motors của Mỹ đã giảm khoảng 5% trong phiên 25/9 sau khi các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley hạ cấp đánh giá, viện dẫn môi trường kinh doanh có nhiều thách thức do giá giảm và sự cạnh tranh ngày càng tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Cổ phiếu của Ford bị hạ cấp từ "tăng trưởng vượt trội" xuống mức "trung bình," đồng thời mục tiêu giá giảm từ 16 USD xuống 12 USD.

Cổ phiếu của Ford đã giảm hơn 4% xuống 10,43 USD, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ đầu tháng Tám vừa qua.

Cổ phiếu của General Motors đã bị hạ cấp từ "trung bình” xuống “mức thấp” và mục tiêu giá giảm từ 47 USD xuống 42 USD. Cổ phiếu của hãng đã giảm 5,4% xuống 45,50 USD, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ đầu tháng Chín này.

Nhà sản xuất xe điện Rivian Automotive và nhà sản xuất phụ tùng ôtô Canada Magna International đều có cổ phiếu bị điều chỉnh từ "tăng trưởng vượt trội" xuống “trung bình." Cổ phiếu của Rivian giảm 5,7% trong khi Magna giảm 4,7%.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley do chuyên gia Adam Jonas dẫn dắt đã lưu ý với các nhà đầu tư rằng các nhà sản xuất ôtô truyền thống của Mỹ đang phải đối mặt với lượng hàng tồn kho cao, giá giảm và các dấu hiệu cho thấy nhu cầu của tiêu dùng yếu, ngay cả khi các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như các nhà sản xuất xe điện (EV) ngày càng giành được thị phần.

Các chuyên gia phân tích cho biết, áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc, nơi sản xuất nhiều hơn 9 triệu ôtô so với nhu cầu, cũng đang gây áp lực lên các nhà sản xuất ôtô của Mỹ. Tuy nhiên, cổ phiếu của một số nhà bán lẻ và đại lý ôtô lại được Morgan Stanley nâng cấp, bao gồm Penske Automotive (PAG.N), Asbury Automotive (ABG.N) và Sonic Automotive.

Không giống như các nhà sản xuất ôtô, các đại lý có sự tiếp xúc thuận lợi với người tiêu dùng và thương hiệu được bảo vệ trước sự cạnh tranh của Trung Quốc và tạo ra lợi nhuận định kỳ từ việc bảo dưỡng xe và bán phụ tùng. Cổ phiếu của Penske tăng 0,5%, Asbury tăng 2% và cổ phiếu của Sonic tăng 0,3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục