Cổ phiếu của các doanh nghiệp mía đường thiết lập mức đỉnh lịch sử mới

Bất chấp tình hình kinh tế nửa đầu năm không mấy tích cực, không ít doanh nghiệp mía đường vẫn có kết quả kinh doanh tốt, về đích mục tiêu lợi nhuận cả năm tài chính tăng vọt so với trước đó.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp mía đường thiết lập mức đỉnh lịch sử mới ảnh 1Nông dân tỉnh Phú Yên thu hoạch mía nguyên liệu. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Bất chấp tình hình kinh tế nửa đầu năm không mấy tích cực, các doanh nghiệp mía đường vẫn có kết quả kinh doanh đầy “ngọt ngào," cổ phiếu thiết lập mức đỉnh lịch sử mới.

Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp mía đường về đích mục tiêu lợi nhuận cả năm tài chính tăng vọt so với trước đó.

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCOM: QNS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 và bán niên với kết quả kinh doanh khá ấn tượng và đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận chỉ sau nửa năm. Cụ thể, trong quý 2, QNS ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 712 tỷ đồng, tăng tới 95% so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng vọt, ông Võ Thành Đàng, Tổng giám đốc QNS, cho biết trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, một số sản phẩm của công ty vẫn duy trì tình hình sản xuất ổn định và ghi nhận mức tăng trưởng cao. Chẳng hạn, sản phẩm đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133%, doanh thu tăng 151%; nha có sản lượng tiêu thụ tăng 13%, doanh thu tăng 14%...

Một số sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo… tuy sức mua chưa hồi phục, song nhờ kiểm soát chi phí nên lợi nhuận vẫn giữ mức xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, thời gian qua, QNS tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía; dây chuyền sản xuất đường đã đi vào hoạt động ổn định giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, các biện pháp phòng về thương mại của Nhà nước đối với sản phẩm đường và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh đường của công ty đạt hiệu quả cao hơn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, QNS đạt 5.282 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 32%. Trong đó, 2 dòng sản phẩm chính là sản phẩm đường đạt gần 2.220 tỷ đồng, chiếm 42%; sản phẩm từ sữa đậu nành hơn 1.978 tỷ đồng, chiếm 37%. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.028 tỷ đồng, tăng tới 90% so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, QNS đặt kế hoạch tổng doanh thu 8.400 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%; lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện 2022. Với kế hoạch này, chỉ sau 6 tháng, QNS đã thực hiện được 65% chỉ tiêu doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.

Trước đó, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (HNX: SLS) cũng công bố báo cáo tài chính quý 4 niên độ 2022-2023 (kỳ tài chính từ 1/4/2023 đến 30/6/2023) với kết quả tăng trưởng ấn tượng.

Trong kỳ tài chính này, SLS ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 550 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 225 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ.

Theo SLS, lợi nhuận quý này của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, nhờ doanh thu bán hàng tăng dẫn đến lợi nhuận gộp tăng; trong khi đó chi phí tài chính giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả niên độ, SLS ghi nhận 1.676 tỷ đồng doanh thu và 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 93% và 178% so với cùng kỳ.

Niên độ tài chính 2022-2023 (từ 1/7/2022 đến 30/6/2023), SLS đặt mục tiêu doanh thu khoảng 1.111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng. Như vậy, công ty vượt 51% kế hoạch doanh thu và vượt gần 600% mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.

[Doanh nghiệp sản xuất mía đường hưởng lợi nhờ giá tăng cao]

Công ty Cổ phần Đường Kon Tum (HNX: KTS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực trong quý 4 niên độ 2022-2023 khi đạt lợi nhuận sau thuế hơn 20,4 tỷ đồng, tăng 620% so với cùng kỳ.

Giải trình về mức lợi nhuận đột biến này, KTS cho biết nguyên nhân là do sản lượng đường tiêu thụ tăng và giá bán mặt hàng đường tăng. Điều này dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng, lãi gộp tăng và lợi nhuận sau thuế của công ty tăng mạnh.

Tính chung cả niên độ 2022-2023, Đường Kon Tum ghi nhận lãi sau thuế 38 tỷ đồng, tăng 377% so với niên độ trước đó. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của KTS kể từ 2017 đến nay. Trong niên độ này, KTS dự kiến lợi nhuận hơn 6,5 tỷ đồng, giảm 38%. Kết thúc năm tài chính, công ty vượt hơn 500% kế hoach lợi nhuận năm.

Dù bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường nhìn chung là khá “ngọt ngào," tuy nhiên vẫn có doanh nghiệp ghi nhận kết quả ngược dòng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/niên độ 2022-2023 của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS) vừa công bố ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 5,2 tỷ đồng, giảm tới 78% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do doanh thu thuần sụt giảm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh. Lũy kế cả niên độ, LSS chỉ ghi nhận hơn 22 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 50% so với niên độ trước đó.

Công ty Cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa (HOSE: SBT) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực, khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 66% trong quý 4/niên độ 2022-2023, chỉ đạt gần 75 tỷ đồng.

Tính chung năm tài chính 2022-2023, lợi nhuận sau thuế của SBT đạt hơn 545 tỷ đồng, giảm gần 38% so với niên độ 2021-2022.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp mía đường thiết lập mức đỉnh lịch sử mới ảnh 2Sản xuất mía đường tại Công ty Mía Đường Biên Hòa, tại Ninh Hòa, Khánh Hòa. (Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN)

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành mía đường cũng có diễn biến đồng pha với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và đà tăng giá đường thời gian qua. Nổi bật hơn hết trong nhóm ngành này là cổ phiếu SLS của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/7, thị giá SLS đạt 217.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 28% trong vòng một tháng qua. Đáng chú ý, với mức giá trên, SLS cũng thiết lập mức đỉnh lịch sử của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết năm 2012 đến nay; đồng thời thuộc Top cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất trên sàn chứng khoán hiện nay.

Thị giá của QNS của Đường Quảng Ngãi cũng lần đầu thiết lập mức đỉnh trong tuần qua, khi ghi nhận đạt 54.000 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 24/7.

Riêng KTS của Mía đường Kon Tum có sự hồi phục đáng kinh ngạc, tăng gấp 3 lần kể từ vùng đáy cuối tháng 10/2022. Hiện KTS đang giao dịch quanh mức 37.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, LSS và SBT tuy kém tích cực hơn, nhưng cũng ghi nhận tăng tích cực trong thời gian qua. Trong đó, thị giá của LSS đã tăng hơn 20% trong tháng 7/2023 và phục hồi gần 3 lần so với mức đáy tháng 11/2022; còn SBT chỉ tăng khoảng 11,5% trong vòng một tháng và hồi phục gần 90% từ vùng đáy tháng 11/2022.

Dù thị giá đã có sự hồi phục đáng kể trong thời gian gần đây, tuy nhiên theo giới phân tích, cổ phiếu ngành đường vẫn có nhiều triển vọng nắm giữ trong trung và dài hạn nhờ giá đường được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), giá hợp đồng tương lai giao dịch đường thô tại Mỹ đã tăng vượt 26 cents/pound, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây trong bối cảnh USDA dự báo sản lượng đường thế giới trong niên vụ 2022-2023 sẽ sụt giảm 13%.

Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến sẽ ban bố lệnh cấm xuất khẩu đường đến hết quý 2/2024 trước những lo ngại về việc sụt giảm lượng mưa cũng như sản lượng thu hoạch do ảnh hưởng của El Nino. Hạn hán lịch sử tại khu vực Maharashtra của Ấn Độ đã khiến cho nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới phải tiến hành áp hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5 vừa qua.

Bên cạnh đó, việc ban hành thuế xăng dầu của Brazil cũng khiến cho nguồn cung thế giới cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực do các nhà sản xuất chuyển hướng sang xăng sinh học thay vì chế biến đường mía phục vụ cho xuất khẩu.

Với diễn biến trên, KBSV dự báo giá đường mía sẽ tiếp tục neo ở mức cao, hỗ trợ đà tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và trên thế giới trước khi bước giai đoạn điều chỉnh rõ ràng hơn.

Trước đó, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng dự báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Giá đường tinh luyện dự báo sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg từ quý 2/2023.

Ngoài ra, SSI kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.

SSI cũng kỳ vọng giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Các chính sách chống trợ cấp, chống bán phá, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được Bộ Công Thương áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục