Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2133/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam, ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thực hiện các bước đúng trình tự theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định trên, trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày phương án cổ phần hóa được phê duyệt sẽ phải thực hiện bán cổ phần.
Trong thời gian này sẽ có những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 nên thông thường các nhà đầu tư cân nhắc, thận trọng hơn trong đầu tư, kinh doanh.
Vinafood 2 được xem là doanh nghiệp khá phức tạp với các khoản thua lỗ, nếu không được định giá chính xác, minh bạch sẽ rất khó thu hút được nhà đầu tư.
Để xác định đích thực giá trị của Vinafood 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán đơn vị này.
Ông Phạm Quang Hiển cho biết, tất cả các khoản thua lỗ, những tồn tại về mặt tài chính, nhưng chưa đủ căn cứ và điều kiện để xử lý tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tiếp tục kế thừa để chuyển sang công ty cổ phần.
Những vấn đề này sẽ được đánh giá rất kỹ lưỡng tại quyết toán vốn khi chính thức bàn giao từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Khi đó các vấn đề được xử lý theo đúng các quy định của pháp luật, ông Hiển cho biết.
[Giá trị doanh nghiệp bị bóp méo, Nhà nước có thể mất nghìn tỷ đồng]
Ông cũng khẳng định, nguyên nhân gây thua lỗ cũng như tồn tại tại Tổng công ty đã có quy định của pháp luật, xử lý trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Vấn đề cốt lõi là vốn nhà nước phải được bảo toàn và kế thừa sang công ty cổ phần.
Trong 3 năm tiếp theo, việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh sau khi cổ phần hóa sẽ tính đến việc khắc phục những tồn tại trước đây.
“Những sai phạm ở Vinafood 2 đã được công khai, minh bạch. Vấn đề cần thiết hiện nay là phải sớm cổ phần hóa để thay đổi cách quản trị, điều hành doanh nghiệp. Nếu càng để chậm thì tình trạng hoạt động không hiệu quả càng tăng lên,” ông Hiển đánh giá.
Hiện nay, Tổng công ty đang đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp lại các mô hình hoạt động với phương châm gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và rút kinh nghiệm từ những thất thoát, thua lỗ vừa qua để khắc phục.
Thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nếu bộ máy doanh nghiệp không tinh gọn, năng động sẽ rất khó cạnh tranh.
Lâu nay, Vinafood 2 được xem như doanh nghiệp “sống” nhờ hợp đồng tập trung. Ông Phạm Quang Hiển cho rằng, với thực tế hiện nay đòi hỏi Vinafood 2 phải năng động và đa dạng hóa, không thể chỉ sống nhờ vào các hợp đồng tập trung, như vậy không khác gì “ngồi đợi giao việc.”
Khi doanh nghiệp hoạt động chỉ trông chờ vào sự chỉ đạo, giao hợp đồng thì rất khó tồn tại, phát triển.
Từ những tồn tại trên, cần nhanh chóng cổ phần hóa Vinafood 2 để tái cơ cấu với mục tiêu tăng cường quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trở nên năng động, trách nhiệm, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề đất đai, ông Phạm Quang Hiển cho biết, Vinafood 2 cơ bản là đất thuê hàng năm nên đây không phải là giá trị của doanh nghiệp. “Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện định giá tài sản và tất cả các khoản thuộc Tổng công ty đã được định giá,” ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Quang Hiển, Vinafood 2 có trên 10 địa điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, nếu thành phố có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích khác hoàn toàn có thể thu lại.
Những địa điểm nào các tỉnh, thành tiếp tục cho thuê hay chưa có ý kiến đều được thông tin rõ ràng để các nhà đầu tư biết, tránh nhầm lẫn.
Những diện tích đất được các tỉnh, thành phố tiếp tục cho thuê hàng năm sẽ được công bố, đưa thông tin vào phương án cổ phần hóa. Như vậy, thông tin về đất đai được thực hiện rất minh bạch, rõ ràng.
Về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, ông Phạm Quang Hiển cho biết, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết cùng Vinafood 2 thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết với nông dân, tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất và xuất khẩu gạo của Tổng công ty.
Cùng với đó, cam kết gắn bó lâu dài với Tổng công ty và hỗ trợ sau cổ phần hóa như: chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, phát triển thị trường…/.