Cổ phần hóa: Nhà đầu tư e ngại không kiểm soát được số vốn

Đa số các nhà đầu tư chiến lược tỏ ra chưa yên tâm khi chỉ nắm giữ dưới 51% cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước là vì cho rằng không kiểm soát được số vốn đầu tư bỏ ra.
Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa mất đi lĩnh vực sản xuất chính. (Ảnh minh họa. Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Đa số các nhà đầu tư chiến lược cho rằng việc nắm giữ dưới 51% cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước là chưa yên tâm, vì họ cho rằng, "tôi ném tiền vào nhưng không biết các bác tiêu cái gì?"

Đó là ý kiến của ông Phan Đăng Tuất, Phó trưởng ban, thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị "Tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc bộ giai đoạn 2011-2015, kế hoạch 2016-2020," do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (24/12).

Vẫn thiếu nhà đầu tư chiến lược nước ngoài

Trong năm 2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chuyển đổi 8 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Còn tính trong giai đoạn 2011-2015, đã có 15 doanh nghiệp được sắp xếp hoặc cổ phần hóa.

Trong số các đơn vị đã cổ phần hóa nêu trên chỉ có 5 doanh nghiệp có nhà đầu tư chiến lược gồm Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thực phẩm và Đầu tư công nghệ Focover).

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nhà đầu tư chiến lược vẫn chủ yếu là khối nội, trong khi chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Đơn cử, tại Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với 3 Tổng công ty thuộc TKV có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng đạt tỷ lệ thấp, không thu hút được nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua số lượng lớn, do tỷ lệ nắm giữ của các nhà nước tại các đơn vị này đều ở mức 98%-99%.

"Nhiều lao động từ bỏ quyền mua cổ phần theo cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp vì không được ưu đãi gì hơn so với cổ phần bán đấu giá công khai," ông Phan Đăng Tuất cho biết.

Còn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, công tác thoái vốn, cổ phần hóa cũng chưa đạt kết quả cũng chưa đạt kết quả như mong đợi, do tình hình thị trường không thuận lợi và vốn của các doanh nghiệp dầu khí thường quá lớn nên khó tìm cổ đông chiến lược.

Đến thời điểm này, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã xây dựng đề án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Năng lượng Nhật Bản JX Holdings (JX Nippon Oil và JX Minnerals) để giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước xuống còn 65%.

Ông Phan Đăng Tuất cho biết, việc thoái vốn sau IPO cũng khó khăn, ​phía nhà đầu tư nước ngoài rất cần báo cáo tài chính minh bạch và đây là chỗ vướng trong việc thực thi các chính sách. Quan trọng hơn, nhà đầu tư chiến lược cũng rất cần chế độ ưu đãi, đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư của họ.

Đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp cũng tỏ ra lo lắng khi ​nhiều ngành nghề kinh doanh chính biến mất ​sau cổ phần hóa, thậm chí ​nhiều doanh nghiệp ​bị mua lại vì lợi thế đất đai sau đó chuyển đổi mục đích kinh doanh.

"​100% công ty đều ​khó khăn trong việc xác lập mô hình quản lý sau IPO như thế nào? Không thể áp tư duy của mô hình quản trị cũ sang mô hình của công ty mới sau IPO," ông Tuất nêu ý kiến.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, thoái vốn của Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Giá điện thấp "cản trở" việc cổ phần hóa ​GENCO3

Theo Bộ Công Thương, việc xác định giá điện theo Thông tư số 56/2014/TT-BTC thì giá điện tháp, kết quả sản xuất kinh doanh không đảm bảo và không có cổ tức trong các năm đầu hoạt động sau cổ phần hóa, làm khó khăn trong công tác cổ phần hóa Tổng Công ty phát điện 3 (Genco3).

Trong khi đó để đảm bảo cổ phần hóa thành công và thu hút nhà đầu tư thì giá điện cần gắn liền với phương án sản xuất kinh của Genco3 và lợi nhuận dự kiến đảm bảo để chi trả cổ tức bình quân mỗi năm từ 7-10% cùng với dòng tiền và các chỉ tiêu tài chính phải đảm bảo điều kiện để vay vốn đầu tư dự án mới.

Theo lộ trình, đến năm 2015, các Tổng công ty phát điện (GENCO) sẽ tách ra khỏi EVN và tỷ lệ phát điện của EVN dự kiến chỉ còn khoảng 17 - 18%, phần còn lại là do các công ty ngoài EVN thực hiện.

Tuy nhiên, chủ trương cổ phần hóa các Tổng Công ty phát điện ngay trong năm 2014 - 2015 đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn lưu động của các GENCO quá thấp, không đáp ứng yêu cầu chi phí sản xuất của một chu kỳ thanh toán tiền điện.

Ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN cho ​biết, do quy mô các GENCO quá lớn nên việc tìm kiếm người mua hết số cổ phần muốn bán là không đơn giản. Đặc biệt, việc sắp xếp lại lao động dôi dư cũng là một thách thức không nhỏ.

Trước những ý kiến nêu ra, tại hội nghị, ​Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, kết quả công tác thoái vốn, cổ phần hóa của Bộ Công Thương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, do nhiều tác động ​khách quan ​như thị trường chứng khoán khó khăn và nhiều doanh nghiệp cũng vướng trong xác định giá trị doanh nghiệp về tài chính, công nợ, đất đai, tài sản...

Do vậy, để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác cổ phần hóa, ngoài quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương và người đứng đầu doanh nghiệp thì cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như việc hoàn thành các cơ chế chính sách.

"Khi cổ phần hóa mà vốn nhà nước vẫn chiếm từ 94-95% thì không có nhiều ý nghĩa lắm, quan trọng là hiệu quả sản xuất kinh doanh," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục