Thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ là tái cơ cấu 432 doanh nghiệp Nhà nước từ nay đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty thuộc khối doanh nghiệp Trung ương đang phải đối mặt với áp lực tăng tốc cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo đúng lộ trình được phê duyệt.
Trên chặng về đích này, áp lực sẽ càng lớn hơn khi kế hoạch tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn thành cổ phần hóa khối doanh nghiệp Trung ương bởi khối này nắm giữ tới 95% tổng số vốn chủ sở hữu Nhà nước trong gần 1.000 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động.
Khó khăn vẫn ở phía trước
Được đánh giá là tập đoàn kinh tế thuộc khối doanh nghiệp Trung ương có thể về đích cổ phần hóa thuận lợi và đúng hạn, đến thời điểm này, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có 2/8 đơn vị thành viên thuộc diện cổ phần hóa đã hoàn thành nhiệm vụ, 6 đơn vị còn lại đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để bán đấu giá lần đầu ra công chúng.
Tuy vậy, thách thức chưa phải đã hết khi Tập đoàn đang gặp phải những khó khăn trong giải quyết lao động dôi dư.
Theo Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên, ngay từ năm 2001, TKV đã chủ động thành lập một quỹ tập trung được trích ra từ 1% tiền lương lao động tự nguyện đóng góp để thực hiện sắp xếp đổi mới cơ cấu lao động, giải quyết lao động dôi dư. Nhờ vậy, Tập đoàn đã hỗ trợ được 858 tỷ đồng cho hơn 24.000 lao động nghỉ hưu trước tuổi, giải quyết được 2.000 lao động dôi dư/năm và đã giảm được 1,5% lao động/năm trong suốt 13 năm qua.
Tuy nhiên, với đặc thù ngành nghề có số lượng lao động rất lớn, nguồn lực từ quỹ này là không thể bù đắp được các chi phí rất lớn để giải quyết lao động dôi dư khi thực hiện cổ phần hóa. Trong khi đó, do các công ty thuộc diện cổ phần hóa lần này của TKV đều đã thực hiện sắp xếp một bước trước đây khi chuyển sang mô hình công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên nên nếu xét theo các quy định hiện hành, các đơn vị này sẽ không thuộc diện được hưởng các chính sách của nhà nước về lao động dôi dư khi thực hiện cổ phần hóa lần này. Đây sẽ là khó khăn cho TKV trong việc đảm bảo quyền lợi người lao động khi thực hiện cơ cấu lại lao động, ông Biên khẳng định.
Không chỉ “đau đầu” giải quyết khó khăn về số lao động dôi dư lớn, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) mà tiền thân là Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lại đang phải “xoay sở” đủ cách để có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa khi tình trạng lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu vẫn đang “đeo bám.”
“SBIC cổ phần hóa sẽ là đơn vị khó khăn nhất trong khối doanh nghiệp nhà nước do nợ quá lớn, số lượng lao động quá đông. Đây là cản trở lớn nhất mà SBIC phải vượt qua,” Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC Nguyễn Ngọc Sự khẳng định.
Theo lộ trình cổ phần hóa, trong năm 2014, SBIC sẽ thực hiện cổ phần hóa 4 đơn vị gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên cảng Chân Mây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tôn Vinashin, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Hạ Long và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Sông Cấm.
Sang năm 2015, SBIC sẽ cổ phần hóa tiếp 5 đơn vị và chuyển công ty mẹ sang mô hình công ty cổ phần. Trong khi đó, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trực thuộc SBIC đều trong tình trạng lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu dù việc tái cơ cấu nợ thời gian qua đã được thực hiện.
Bổ sung thêm những thách thức cho việc hoàn thành cổ phần hóa SBIC đúng lộ trình, Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long Nguyễn Tuấn Anh cho biết muốn cổ phần hóa thành công, hầu hết các doanh nghiệp ngành đóng tàu phải cần các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm, có thị trường và có nguồn tài chính vững mạnh.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư chiến lược hội tụ đủ các điều kiện như Tập đoàn đóng tàu Damen Hà Lan thường mong muốn mua ngay cổ phần chi phối doanh nghiệp trong khi yêu cầu này của nhà đầu tư là khó có thể đáp ứng bởi việc bán cổ phần chi phối khi tình hình sản xuất chưa cao như hiện nay có thể sẽ gây thiệt hại nhiều cho Nhà nước.
Trong khi đó, thực tế bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) doanh nghiệp nhà nước thời gian qua cho thấy tỷ lệ IPO quá thấp khiến nhà đầu tư không đạt được kỳ vọng tham gia vào quá trình quản trị điều hành doanh nghiệp chính là một trong bốn nguyên nhân chủ yếu khiến việc IPO của một số doanh nghiệp nhà nước thời gian qua không thành công.
Gỡ bằng cơ chế đặc thù
Theo Chủ tịch SBIC Nguyễn Ngọc Sự, hiện SBIC đang xin cơ chế tái cơ cấu nợ cho các công ty con bằng phát hành trái phiếu mới thông qua Công ty mua bán nợ (DATC) của Bộ Tài chính để công ty mẹ đứng ra nhận toàn bộ các khoản nợ của công ty con.
Các công ty con không còn nợ sẽ có thể thực hiện cổ phần hóa và khi đó, SBIC cũng thu được tiền về để trả nợ và kế hoạch cổ phần hóa cũng cơ bản hoàn thành bởi vốn nhà nước hiện chủ yếu nằm ở các công ty con, Chủ tịch SBIC Nguyễn Ngọc Sự khẳng định.
Tuy nhiên, việc chuyển công ty mẹ sang mô hình công ty cổ phần trong năm 2015 sẽ khó hơn nhiều bởi SBIC sẽ phải tổng hợp các khoản nợ, khoản lỗ, khoản âm vốn chủ sở hữu, báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ để giảm nợ và kéo dài thời gian trả nợ.
Để giải quyết lao động dôi dư trong thực hiện cổ phần hóa, TKV cũng tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lao động ở các khâu trung gian theo hướng cho phép lao động được nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển sang làm tại các khâu sản xuất chính, sản xuất phụ trợ.
Bên cạnh đó, chính sách khoán quỹ lương cho các công đoạn, cho các đơn vị với định hướng giảm lao động từ 0,5-1%/năm cũng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc tại toàn tập đoàn. TKV cũng cho biết đã đề nghị nhà nước có cơ chế, kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp đã chuyển sang mô hình công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên trước đây được tiếp tục hưởng chính sách hỗ trợ lao động dôi dư trong đợt cổ phần hóa lần này.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho quá trình cổ phần hóa như: Nghị định 189, nghị định 59, Nghị định 206, Nghị quyết 15 và mới đây nhất là Chỉ thị 06.
Theo đó, Chính phủ cho phép xóa nợ đọng tiền thuế và phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 cho bốn nhóm đối tượng doanh nghiệp nhà nước, cho phép thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách, cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều công ty niêm yết, giảm mạnh hơn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Giải pháp Chính phủ đã ban hành là nguyên tắc chung để doanh nghiệp nhà nước thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc phải báo cáo bộ chủ quản và Bộ Tài chính để xử lý kịp thời với từng trường hợp cụ thể. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng để xử lý, ông Tiến nhấn mạnh.
Hiện Công ty mua bán nợ (Bộ Tài chính) theo sự chỉ đạo của Chính phủ đang đứng ra trung gian để xử lý khoản nợ tại SBIC theo đúng thông lệ quốc tế. Theo đó, với các doanh nghiệp thành viên vẫn còn hoạt động được của SBIC sau khi chuyển đổi từ mô hình Tập đoàn thành Tổng Công ty vào tháng 10/2013, tám đơn vị thành viên được giữ lại của SBIC tiếp tục được các ngân hàng hỗ trợ để hoạt động sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, đảm bảo có khả năng trả nợ cho DATC.
Ngược lại, những phần còn lại của tổng công ty này tại hàng trăm đơn vị bị cắt giảm sẽ được thoái vốn, được bán, được cổ phần hóa để lấy lại nguồn vốn Nhà nước và mang xử lý nợ tiếp. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, việc thực hiện cổ phần hóa đúng lộ trình phụ thuộc rất nhiều vào vai trò người đứng đầu với các quyền và trách nhiệm đã được quy định rất rõ, ông Đặng Quyết Tiến chỉ rõ.
Theo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, trong giai đoạn 2011-2015, khối có 28/32 đơn vị thuộc diện xây dựng đề án tái cơ cấu. Đến nay, cả 28 đơn vị đều đã hoàn thành đề án tái cơ cấu, trong đó có 24 đề án đã được phê duyệt.
Đặc biệt, cả 24 đề án này đều được tổ chức theo mô hình công ty mẹ-công ty con; trong đó, có 15 công ty mẹ Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ; 9 công ty mẹ cần tiến hành cổ phần hóa./.