Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Khó thể về đích “đúng hẹn”

Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình là yếu tố con người, cụ thể là lãnh đạo các doanh nghiệp có sự dè chừng, sợ mất vị trí và đặc biệt là có thể "lộ" ra những tồn tại gắn với trách nhiệm..
Dây chuyền sản xuất áo jacket xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Năm 2015, năm cuối của kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 đã gần kết thúc, nhưng theo số liệu của Bộ Tài chính tính đến ngày 12/11 vừa qua cả nước còn phải thực hiện cổ phần hóa 130 doanh nghiệp. Điều này là khó có thể thực hiện khi thời gian dường như không ủng hộ tiến trình này.

Thời gian không đợi doanh nghiệp

Theo phương án sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã được phê duyệt, giai đoạn 2011-2015 dự kiến cổ phần hóa 527 doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến ngày 12/11 vừa qua mới cổ phần hóa được 397 doanh nghiệp, đạt 75% kế hoạch.

Riêng từ đầu năm nay đến ngày 12/11 vừa qua có 159 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa. Như vậy, vẫn còn 130 doanh nghiệp cần tiến hành cổ phần hóa trong tháng cuối năm này; trong đó có 29 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, 101 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự kiến hết năm nay, Việt Nam sẽ thực hiện được 210 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp cổ phần hóa của cả giai đoạn sẽ lên 459 doanh nghiệp, đạt khoảng 90% kế hoạch của cả giai đoạn 2011-2015. Số doanh nghiệp còn lại sẽ được chuyển sang giai đoạn 2016-2020.

Lãnh đạo trù trừ, thị trường khó định

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp của Bộ Tài chính cho rằng một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình này là yếu tố con người mà cụ thể ở đây là lãnh đạo các doanh nghiệp có sự dè chừng, sợ mất vị trí và đặc biệt là có thể "lộ" ra những tồn tại gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình cổ phần hóa. Chính vì vậy, theo ông Đặng Quyết Tiến, việc tổ chức, thực hiện cổ phần hóa vẫn còn sự "du di" không quyết liệt.

Mặt khác, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, một số cơ chế, chính sách để giải quyết những vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, trong thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, bán vốn Nhà nước tại công ty cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ… vẫn chưa được các bộ trình để ban hành kịp thời.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc lựa chọn cổ đông chiến lược… cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.

Không thể bán rẻ doanh nghiệp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, những biến động từ thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và quốc tế thời gian qua cũng khiến cho việc bán cổ phần, thoái vốn Nhà nước không hề dễ dàng; trong đó thống kê cho thấy, bình quân 10 tháng năm nay số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 38% tổng số cổ phần chào bán.

Mặc dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị. Vì vậy, tiến trình này cần thực hiện một cách thận trọng để thúc đẩy sự tham gia của hai khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phùng Quốc Hiển. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết việc thoái vốn cũng phải phụ thuộc vào thị trường, những năm trước thoái vốn khó khăn là do thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn, không phải dễ mà người ta mua.

“Câu chuyện này cần thận trọng, cổ phần hóa chậm thì cũng sốt ruột lắm nhưng cũng đừng vì thế mà bán rẻ doanh nghiệp,” ông Hiển chia sẻ.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, dù kết quả cổ phần hóa chưa được như mong đợi nhưng cũng cho thấy đã đạt những bước tiến đáng kể trong tiến trình thực hiện. Việc Chính phủ đã chỉ đạo SCIC thực hiện thoái vốn nhưng không có nghĩa thoái vốn bằng mọi giá mà ưu tiên thoái vốn các doanh nghiệp không phải giữ vị trí chủ lực trong nền kinh tế, hoặc liên quan tới dịch vụ công, hoặc an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.

“Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong thời gian vừa qua, tiếp tục thoái vốn để xã hội hóa nhiều hơn, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới đây,” ông Ngân nói.

Ông Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính cũng nhận định, độ sâu của cổ phần hóa chưa như mong muốn, thoái vốn mới chỉ bán được từ 10-20% trong khi thị trường chờ đợi sâu hơn. Tuy nhiên, ông Độ cho rằng cũng cần phải có thời gian, bởi kinh nghiệm cho thấy các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có bước tiến về doanh thu, năng lực quản trị…

Sẽ tập trung rà soát phân loại doanh nghiệp

Nhấn mạnh về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới, cụ thể là với 130 doanh nghiệp còn lại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết cơ chế chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp hiện hành cần được tiếp tục hoàn chỉnh do đối tượng thực hiện cổ phần hóa giai đoạn tiếp theo là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, Công ty mẹ-con có quy mô vốn lớn, tình hình tài chính phức tạp đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cổ phần hóa cần phải sớm tháo gỡ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu giải pháp thực hiện là tiếp tục theo dõi, rà soát và hoàn thiện cơ chế và chính sách liên quan tới cổ phần hóa. Rà soát, phân loại lại doanh nghiệp nào Nhà nước cần nắm giữ, doanh nghiệp nào không cần nắm giữ, theo thị trường sẽ thoái dần dần. Hoàn chỉnh gia tăng nhiệm vụ của bộ, ngành cơ quan, Tổng công ty, địa phương và tăng cường kiểm tra giám sát cổ phần hóa thoái vốn, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ trên thị trường tài chính.

Bên cạnh việc đưa ra các chính sách tháo gỡ kịp thời, theo Bộ Tài chính các bộ, ngành và doanh nghiệp cần thực hiện quyết liệt việc chỉ đạo sát sao tiến độ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp còn lại theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2015. Các bộ, ngành và địa phương cũng cần công khai danh sách và tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, các đơn vị phải đẩy mạnh hơn nữa việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành một cách chặt chẽ, có hiệu quả, có kế hoạch thoái vốn cụ thể cho từng tháng, từng khoản đầu tư ngoài ngành.

Về kế hoạch thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020, theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, số lượng ước tính khoảng 500 doanh nghiệp nữa sẽ sớm được thực hiện cổ phần hóa trong trong giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Đặng Quyết Tiến trong 5 năm tiếp theo, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải tiếp tục làm quyết liệt hơn khi mọi cơ chế đã rõ ràng. Đặc biệt là cải thiện thông tin minh bạch để tiếp tục cổ phần hóa, thu hút nhà đầu tư ngoại.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đang quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉnh sửa Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa theo hướng thu hút hơn, từ đó đẩy mạnh hiệu quả cổ phần hóa bởi nếu để tỷ lệ cổ phần Nhà nước quá cao thì cổ phần hóa thành công rất thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục