Theo mạng tin asiatimes, cuộc gặp ba bên quan trọng nhất bên lề hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka đã diễn ra trong một căn phòng được trang trí sơ sài, không xứng với danh tiếng của Nhật Bản về phong cách nghệ thuật tối giản. Nhật Bản luôn nổi tiếng với việc lên kế hoạch và triển khai công việc một cách hoàn hảo.
Do đó khó có thể cho rằng việc trang trí phòng họp này là một "tai nạn" không may. Ít nhất, hội nghị thượng đỉnh - không chính thức - giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc bên lề hội nghị G20 xứng đáng được chuẩn bị tốt hơn thế.
Không có thông tin bị rò rỉ từ cuộc gặp, song xu hướng xích lại gần nhau của bộ ba này là điều rất rõ ràng. Cuộc gặp giữa lãnh đạo của ba quốc gia nói trên diễn ra thực sự kín đáo.
Một số ít đại diện các hãng truyền thông có mặt trong phòng họp đã được mời ra ngoài. Đội ngũ cố vấn đi cùng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần như không có đủ chỗ để ngồi.
Nội dung của cuộc gặp ba bên này không được tiết lộ. Dẫu sao ông Tập Cận Bình vẫn có thể mời ông Putin và ông Modi tới Bắc Kinh bất kể khi nào ông muốn thảo luận về các vấn đề quan trọng.
New Delhi loan tin rằng Thủ tướng Modi là người đưa ra ý tưởng gặp gỡ ba bên tại Osaka. Tuy nhiên sự thật không hoàn toàn đúng như vậy.
Cuộc gặp tại Osaka là kết quả của một tiến trình lâu dài do ông Tập Cận Bình và ông Putin dẫn dắt nhằm thuyết phục ông Modi tham gia một lộ trình ba bên về hội nhập Á-Âu nghiêm túc, được củng cố trong cuộc gặp trước của ba nhà lãnh đạo này tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Bishkek (Kyrgyzstan) hồi tháng trước.
Cuộc gặp tiếp theo giữa ba bên sẽ là tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok (Nga) vào tháng 9 tới. Trong những phát biểu mở đầu cuộc gặp, ông Putin, ông Tập Cận Bình và ông Modi đã tuyên bố rõ rằng quan hệ Nga-Ấn-Trung đang được định hình, và theo lời ông Putin đây sẽ là một "kiến trúc an ninh không thể bị chia tách" đối với khu vực Á-Âu.
Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh tới nỗ lực đa phương nhằm chống lại biến đổi khí hậu, và phàn nàn rằng nền kinh tế toàn cầu đang bị chi phối bởi mệnh lệnh "từ một phía," đồng thời ông nêu bật sự cần thiết phải cải tổ Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).
Tổng thống Nga Putin đã tiến một bước xa hơn khi khẳng định rằng "ba nước chúng ta ủng hộ việc bảo vệ hệ thống quan hệ quốc tế, với nồng cốt là Hiến chương của Liên hợp quốc và trật tự luật pháp. Chúng ta đề cao những nguyên tắc quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia như tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào các công việc nội bộ."
Ông Putin nhấn mạnh mối liên hệ địa chính trị giữa Liên hợp quốc (LHQ), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), và G20. Ngoài ra ông cũng lưu ý rằng cần "tăng cường thẩm quyền của WTO" và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trở thành "hình mẫu của một thế giới đa cực hiện đại và công bằng - một thế giới không chấp nhận các biện pháp trừng phạt là hành động hợp pháp."
Quan điểm chung của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc rất khác biệt với quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những "tài sản to lớn"
BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã không còn nữa. Đã có một cuộc gặp "chính thức" của BRICS trước cuộc gặp Nga-Ấn-Trung (RIC).
Tuy nhiên, không có gì là bí mật việc cả ông Putin và ông Tập Cận Bình hoàn toàn không tin tưởng Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil, quốc gia bị coi là "tài sản" kiểu thực dân mới của ông Trump.
Trước thềm cuộc gặp song phương với Tổng thống Trump, ông Bolsonaro đã tìm cách bán nguồn tài nguyên khoáng sản của Brazil, khẳng định rằng Brazil hiện có thể xuất khẩu "niobi loại rẻ tiền."
['Nga, Ấn Độ, Trung Quốc cùng nỗ lực tăng cường ổn định chiến lược']
Điều này chắc chắn sẽ ít gây tranh cãi hơn vụ việc một quân nhân Brazil đã bị bắt tại Tây Ban Nha vì tội mang theo số lượng lớn cocaine (36kg) lên chuyên cơ của tổng thống, vụ việc rõ ràng đã gây ảnh hưởng lớn tới chuyến đi của Tổng thống Brazil tới Osaka để tham dự hội nghị G20.
Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Trump đã hào hứng ca ngợi "những tài sản to lớn" của Brazil, hiện đã hoàn toàn bị tư nhân hóa vì lợi ích của các công ty Mỹ.
Phát biểu tại cuộc gặp của nhóm BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án chủ nghĩa bảo hộ và kêu gọi một WTO mạnh mẽ hơn. Ông nói rằng các quốc gia trong BRICS cần "nâng cao tính kiên cường và khả năng đối phó với các rủi ro từ bên ngoài". Tổng thống Nga Putin đã tiến xa hơn thế.
Ngoài việc lên án xu hướng bảo hộ trong thương mại toàn cầu, ông còn kêu gọi trao đổi thương mại song phương bằng các nội tệ nhằm tránh dùng đồng đôla Mỹ - điều này phản ánh một cam kết của quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung.
Nga-Trung, thông qua Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov và người đứng đầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng trung ương) Yi Gang, đã ký một thỏa thuận nhằm đổi sang dùng đồng ruble và đồng nhân dân tệ trong trao đổi thương mại song phương giữa hai nước, bắt đầu với ngành năng lượng và nông nghiệp, và tăng cường các trao đổi thương mại được thanh toán bằng hai đồng tiền này lên 50% trong vài năm tới.
Sẽ có một nỗ lực phối hợp giữa các nước nhằm dần dần bỏ qua hệ thống SWIFT (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế), sử dụng Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) của Nga và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS).
Sớm hay muốn thì Nga và Trung Quốc sẽ lôi kéo cả Ấn Độ cùng tham gia. Moskva có quan hệ song phương rất tốt đẹp với cả Bắc Kinh và New Delhi, và Nga đang quyết tâm đóng vai trò là một sứ giả vinh dự.
Cuộc chiến thương mại "mini" chống lại New Delhi của chính quyền Tổng thống Trump - bao gồm việc tước quy chế thương mại đặc biệt của Ấn Độ và trừng phạt nước này vì đã mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga - đang đẩy nhanh tiến độ của tiến trình này. Ấn Độ sẽ trả tiền cho hệ thống S-400 bằng đồng euro. Không có tin tức gì từ cuộc gặp Nga-Ấn-Trung về vấn đề Iran.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết đây là chủ đề then chốt của cuộc thảo luận. Nga đã sẵn sàng - một cách ngấm ngầm - giúp đỡ Iran rất nhiều. Ấn Độ phải đưa ra một sự lựa chọn sống còn: tiếp tục mua dầu mỏ của Iran hay phải "tạm biệt" sự giúp đỡ chiến lược của Iran-Ấn Độ thông qua cảng Chabahar của Iran để phát triển "Con đường Tơ lụa mini" của nước này dẫn tới Afghanistan và Trung Á.
Trung Quốc coi Iran là điểm quan trọng của các Con đường Tơ lụa mới, hay còn được biết đến là Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nga coi Iran là nhân tố then chốt đối với sự ổn định chiến lược ở Tây Nam Á - một chủ đề quan trọng trong cuộc gặp song phương giữa ông Putin và ông Trump, mà tại đó hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về Syria và Ukraine.
RIC (quan hệ Nga-Ấn-Trung) hay BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường)?
Cho dù ông Trump đang triển khai chiến thuật chiến tranh tâm lý gì, thì quan hệ Nga-Ấn-Trung đã trực tiếp ám chỉ sự "chia nhánh" rõ ràng cả trong ngắn hạn và dài hạn giữa Mỹ và Trung Quốc ở Osaka.
Bức tranh lớn sẽ không thay đổi; chính quyền Trump đang đặt cược vào việc chuyển hướng các chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tăng tốc tối đa tiến độ thực hiện BRI.
Tổng thống Trump bị nghi kỵ sâu sắc trên khắp châu Âu, trong bối cảnh Brussels hiểu rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ là mục tiêu của cuộc chiến tranh thương mại tiếp theo. Trong khi đó, với hơn 60 quốc gia cam kết tham gia hàng loạt các dự án của BRI, và với việc Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng đã được kết nối với BRI, Bắc Kinh biết rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi toàn bộ EU cùng tham gia BRI.
Chưa có bằng chứng cho thấy Ấn Độ có thể bất ngờ tham gia các dự án BRI. Chiến lược địa chính trị "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" - về cơ bản là một chiến lược khác nhằm kiềm chế Trung Quốc - đang dần hiện ra. Đó là chiến lược "chia để trị" thường được các đế quốc ngày xưa sử dụng, và tất cả các chủ thể lớn trên thế giới đều hiểu rõ chiến lược này.
Tuy nhiên, hiện nay Ấn Độ đang bắt đầu loan tin rằng chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" không "chống lại ai cả." Ấn Độ đang ngày càng tiến sâu vào RIC (quan hệ Nga-Ấn-Trung) không có nghĩa rằng nước này sẽ xích lại gần BRI.
Hiện đã đến lúc ông Modi thể hiện khả năng đối phó với tình hình, và cuối cùng ông sẽ phải quyết định "quả lắc" địa kinh tế sẽ lắc về phía nào./.