Có phải Mỹ-Trung đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới?

Mỹ và Trung Quốc có cách nhìn khác nhau về thế giới cũng như có hệ tư tưởng đối lập nhau. Hai nước này tiếp tục có những tuyên bố “ăn miếng trả miếng” tại Đối thoại Shangri-La 2019.
Có phải Mỹ-Trung đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới? ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 ở Singapore ngày 2/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khi dư âm về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn đang nóng ran thì tại Đối thoại Shangri-La 2019 vừa diễn ra ở Singapore, hai nước này tiếp tục có những tuyên bố “ăn miếng trả miếng” nhằm bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của mình.

Nhận định về mối quan hệ Mỹ-Trung, tờ Le Monde của Pháp cho rằng Mỹ-Trung đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Theo báo Pháp, Mỹ và Trung Quốc có cách nhìn khác nhau về thế giới cũng như có hệ tư tưởng đối lập nhau. Do vậy, hai nước này đã chính thức khởi động cho một cuộc “tập trận đối đầu bạo lực chiến lược” ngay tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2019.

Trung Quốc đã phái Bộ trưởng Quốc phòng kiêm ủy viên Quốc vụ viện - ông Ngụy Phượng Hòa - đến diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2019.

[Thương chiến Mỹ-Trung: Việt Nam sẽ thay đổi các chính sách thương mại]

Ông Ngụy Phượng Hòa đã có một bài diễn văn chính thống nhất về “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc với nội dung nhằm vào Mỹ.

Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cũng giống như khi đối phó với cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ vừa phát động gần đây, Bắc Kinh luôn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán nếu Washington muốn đối thoại và ngược lại cũng sẽ sẵn sàng “tiếp chiến.”

Cụ thể hơn, ông Ngụy Phượng Hòa đã thẳng thừng tuyên bố Bắc Kinh sẽ chiến đấu chống lại bất kỳ quốc gia nào dám chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc Đại lục.

Trong khi đó, cũng tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2019, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan lại “dịu giọng” tuyên bố rằng cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với các đối thủ hiện nay không phải là cuộc xung đột.

Tuy nhiên, ông Patrick Shanahan từng bóng gió “nắn gân” ông Ngụy Phượng Hòa khi tuyên bố rằng các hành động làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia khác cần phải được chấm dứt.

Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, “sân khấu” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải là ưu tiên hàng đầu và được "mở cửa miễn phí."

Còn cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ, hay nói cách khác là cuộc chiến về vấn đề kinh tế và an ninh, cần phải được hiểu là "mọi người đều được chơi trong khuôn khổ các quy tắc quốc tế đã được thiết lập."

Về phần mình, ông Ngụy Phượng Hòa không đề cập gì đến những quy tắc này trong bài diễn văn đọc trước hàng trăm tướng lĩnh cấp cao cũng như học giả và giới truyền thông của các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Trái hẳn với người đồng cấp Mỹ, ông Ngụy Phượng Hòa phản đối tính cần thiết phải “giải quyết những quan ngại về an ninh của mỗi quốc gia.”

Để ngụy biện cho các hành động của Trung Quốc khiến nhiều quốc gia lo ngại, ông Ngụy Phượng Hòa cáo buộc Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan khi so sánh sự thống nhất của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Abraham Lincoln trước đây với việc Trung Quốc tìm cách thống nhất Đài Loan.

Những phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2019 lần này có lẽ không chỉ là lời tuyên chiến của Trung Quốc với Mỹ mà còn cả với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là trong vấn đề tự do hàng hải.

Chính những lời lẽ của ông Ngụy Phượng Hòa đã khiến dư luận phản ứng.

Tờ Le Monde cho rằng các nước tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2019, đặc biệt là Pháp, luôn coi bảo vệ quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc vô hình.

Nhà nghiên cứu Alice Ekman của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp được tờ Le Monde dẫn lời cho rằng từ nhiều năm qua, ngay cả trước khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc luôn trong chiều hướng đi lên và nay đang ở thế đối đầu trực diện.

Do vậy, hiện có thể nói rằng cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung đang diễn ra. Rõ ràng, sự đối đầu Mỹ-Trung không chỉ trong vấn đề về thương mại và địa chính trị mà còn cả về thể chế, chính trị và tư tưởng.

Trong xu hướng tình hình căng thẳng đang gia tăng này, Bắc Kinh đang toan tính thiết lập các diễn đàn đối thoại riêng và giống như Nga, sẽ từ bỏ các liên minh hiện có để đầu quân cho "mô hình hợp tác quốc phòng mới" của mình.

Đó chính là mô hình không chính thức được để ngỏ cho các quốc gia châu Âu cũng như châu Á cùng chia sẻ hoặc tham gia hay không tham gia vào dự án “Con đường tơ lụa mới” hay nhận ưu đãi 5G của Huawei.

Tuy nhiên, mô hình này lại không phù hợp đối với Mỹ. Theo ông Patrick Shanahan, Huawei quá thân thiết với chính phủ Trung Quốc và Bắc Kinh có chính sách quốc gia yêu cầu các công ty phải chia sẻ dữ liệu nên đây là một rủi ro đối với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ông Patrick Shanahan tái khẳng định rằng Mỹ không thể tiếp tục sao nhãng khi các quốc gia sử dụng những lời lẽ thân thiện để che giấu những hành vi không thân thiện.

Có phải Mỹ-Trung đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới? ảnh 2Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan phát biểu tại phiên thảo luận Đối thoại Shangri-La 2019. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)

Tờ Le Monde trích dẫn một tài liệu của Mỹ được công bố ngày 30/5 vừa qua cho thấy "Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Mỹ miêu tả Trung Quốc là "một cường quốc xét lại" đang muốn "tìm cách cọ sát" thông qua áp lực chính trị, thông tin sai lệch, vũ khí chống tiếp cận, trợ cấp, đòn bẩy kinh tế...

Để đối phó với Trung Quốc, trước tiên Mỹ dự định sẽ đáp trả bằng cách "chuẩn bị" chiến tranh, với "một lực lượng có khả năng chiến thắng trong mọi xung đột."

Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các loại vũ khí cường độ cao, tàu ngầm lớp Columbia hay tàu ngầm chống tên lửa.

Ngoài ra, Mỹ cũng tính toán đến sự hợp tác với các quốc gia trong khu vực, sau đó sẽ tiến hành các cuộc tập trận nhằm đạt được "khả năng tương tác."

Tờ Le Monde gọi cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung lần này là cuộc "Chiến tranh Lạnh 2.0," trong đó trụ cột thứ ba của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính là "khu vực kết nối" - được cho là dưới “tiếng chuông” của Mỹ - giữa các vệ tinh và các hệ thống vũ khí của mỗi quốc gia mua của Mỹ.

Mới đây, Nhật Bản đã xác nhận mua 105 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Vậy câu hỏi liệu một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung có thể kéo theo một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba hay không vẫn còn để ngỏ.

Các nước châu Á thường quá quan ngại về sự xung đột leo theo giữa Mỹ và Trung Quốc bởi các nước này quá nhỏ bé để có thể thoát khỏi những ảnh hưởng có thể xảy ra.

Còn các cường quốc phương Tây thì dường như đang muốn ngả theo Mỹ trong chiến lược tạo dựng ảnh hưởng toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục